Ngày 28.8, thông tin từ Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này vừa hoàn thành bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Hải Dương, hoàn tất cáo trạng đề nghị truy tố 13 bị can trong vụ án tham ô tài sản tại LĐLĐ tỉnh Hải Dương và công đoàn 1 số công ty.
Trong số các bị can, có 3 bị can nguyên là cán bộ LĐLĐ tỉnh Hải Dương cùng bị truy tố về 2 tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Mai Xuân Anh (cựu Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương, cựu Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hải Dương); Phạm Thị Thuỳ Linh (nguyên Trưởng ban Tài chính LĐLĐ tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Nam (nguyên Chủ tịch công đoàn ngành NN-PTNT Hải Dương, nguyên Chủ nhiệm UBKT LĐLĐ tỉnh Hải Dương).
5 bị can bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản, gồm: Hoàng Duy Kha (nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH N.D nhiệm kỳ 2017 – 2022); Nguyễn Trung Kiên (nhân viên Công ty TNHH May F.S Việt Nam, Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH May F.S Việt Nam); Phạm Vũ Hải (kế toán Công ty Grand Ocean, nguyên kế toán Công đoàn Công ty TNHH N.D nhiệm kỳ 2017 – 2022); Nguyễn Đình Cảnh (nhân viên Công ty TNHH H.H Việt Nam, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH H.H Việt Nam) và Phùng Duy Minh (nhân viên Công ty F.L Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH F.L Việt Nam).
5 bị can bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Đỗ Thị Thành (nhân viên Công ty TNHH may mặc M.K Việt Nam, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH may mặc M.K Việt Nam 2); Trương Thị Thanh Kha (kế toán Công ty TNHH M.K Việt Nam, kế toán CĐCS Công ty TNHH May mặc M.K Việt Nam 2); Nguyễn Thị Đan (nhân viên văn phòng Công ty TNHH may mặc M.L Việt Nam, thủ quỹ CĐCS Công ty TNHH May mặc M.K Việt Nam 2); Nguyễn Thị Linh (nguyên kế toán CĐCS Công ty TNHH may mặc M.K Việt Nam 2) và Nguyễn Thị Thu Hường (nhân viên văn phòng, nguyên thủ quỹ CĐCS Công ty TNHH may mặc M.KViệt Nam 2).
Theo kết luận, để các CĐCS chủ động sử dụng tài chính công đoàn, Linh đã tham mưu cho Xuân Anh, ký ban hành các hướng dẫn về xây dựng dự toán tài chính công đoàn và quyết toán tài chính công đoàn các năm. Trong đó, có các nội dung chỉ đạo CĐCS khối sản xuất kinh doanh thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) và trích nộp lên LĐLĐ tỉnh Hải Dương theo tỷ lệ phân phối nguồn thu trái quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Mặc dù từ cuối năm 2018 đến năm 2022, Linh đã nhiều lần tham mưu để ông Trần Văn Cương (nguyên Phó chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Hải Dương) ký các văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai việc nộp KPCĐ vào tài khoản tập trung của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhưng Linh cũng tham mưu ông Cương ký các văn bản đôn đốc nhắc nợ vẫn thể hiện nội dung CĐCS trích nộp KPCĐ cho LĐLĐ tỉnh Hải Dương là trái quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Chính vì vậy Công ty TNHH N.D (từ năm 2017 đến tháng 9.2019) và các Công ty TNHH H.H Việt Nam, Công ty TNHH F.L Việt Nam, Công ty TNHH may F.S Việt Nam và Công ty TNHH may mặc M.K Việt Nam 2 (từ năm 2017 đến hết năm 2022) đã chuyển KPCĐ cho CĐCS, nhưng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh Hải Dương không kiểm soát được việc chi tiêu của CĐCS này nói chung và việc trích nộp lên LĐLĐ tỉnh Hải Dương theo tỷ lệ phân phối nguồn thu nói riêng.
Đối với 5 CĐCS nêu trên, những CĐCS có báo cáo quyết toán, Linh chỉ đạo nhân viên đối chiếu với số thực tế mà các CĐCS này đã nộp và xây dựng phê duyệt dự toán theo mẫu để trình Xuân Anh ký duyệt; đồng thời chỉ đạo nhập các dữ liệu vào hệ thống phần mềm tài chính của công đoàn, trường hợp không có báo cáo quyết toán, Linh tự cân đối, phân bổ số tiền thực tế mà các đơn vị nộp về LĐLĐ tỉnh trong năm và các mục chi cho hợp lý.
Từ năm 2017 đến năm 2022, 5 đơn vị nêu trên đều không hoàn thành nghĩa vụ nộp tài chính công đoàn cho LĐLĐ tỉnh Hải Dương. Nhưng với động cơ, mục đích cho việc hoàn thành nhiệm vụ kế toán của mình, Linh đã điều chỉnh số liệu ở phần kinh phí phải nộp bằng số liệu ở phần kinh phí đã nộp đối với các đơn vị nêu trên. Chính vì vậy trên hệ thống kế toán của công đoàn, không thể hiện số nợ tài chính công đoàn nhưng vẫn được Linh ký trình Xuân Anh phê duyệt.
Kết luận điều tra cũng xác định, mặc dù là chủ tịch và là chủ tài khoản của LĐLĐ tỉnh Hải Dương, nhưng bị can Mai Xuân Anh đã thiếu trách nhiệm, không tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các quy định về công tác tài chính của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kiểm tra sổ sách kế toán, tin tưởng vào sự tham mưu của Linh và kết quả kiểm tra tài chính đồng cấp hàng năm của UBKT LĐLĐ tỉnh Hải Dương nên đã ký duyệt ban hành các văn bản sai phạm nêu trên, gây thất thoát cho LĐLĐ tỉnh Hải Dương với số tiền hơn 20 tỉ đồng.
Liên quan đến bị can Mai Xuân Anh và các đồng phạm, ngày 6.3, TAND tỉnh Hải Dương cũng đã mở phiên xử sơ thẩm với các bị cáo này về tội tham ô tài sản.
Các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 220,7 triệu đồng từ việc nâng giá hàng hóa trong các hợp đồng mua bán bánh chưng, giò và tiền chiết khấu khi mua hàng hóa.
Trong vụ án này, bị cáo Mai Xuân Anh với vai trò chủ tịch và là chủ tài khoản giữ vai trò chính. Bị cáo Phạm Thị Nhung là người thực hành tích cực. Bị cáo Phạm Dũng là người giúp sức. Số tiền hơn 220,7 triệu đồng, các bị cáo và những người liên quan đã nộp lại.
Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi, HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Xuân Anh 5 năm 6 tháng tù, Phạm Thị Nhung 4 năm tù. Bị cáo Phạm Dũng bị tuyên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Khi bị cơ quan điều tra bắt giữ, khởi tố về tội tham ô tài sản, bị cáo Mai Xuân Anh đã rời khỏi vị trí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hải Dương và giữ chức Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương.
Bình luận (0)