Câu hỏi đầu tiên phải là vì sao trên chiếc tàu hàng này lúc đứt neo mà người thì vẫn còn trên tàu? Ai cũng biết, Quảng Trị lại là khu vực mưa nhiều nhất trong mấy ngày qua, nước lũ mỗi lúc một dữ dằn hơn. Nếu biết tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của Ban Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn là phải neo đậu và chằng buộc tàu bè cẩn thận, tuyệt đối không được ở lại trên tàu... thì có lẽ chiếc tàu hàng ấy chỉ một mình lặng lẽ trôi ra biển và không có sự hồi hộp đến nghẹt thở của đồng bào cả nước suốt 3 ngày qua!
Thứ hai là câu chuyện cứu hộ. Các phương án cứu hộ đều đã được huy động nhưng tình hình chiếc tàu bị nạn vẫn ngày một xấu hơn. Tất cả chỉ còn trông vào một phép màu. Trực thăng cứu hộ là phép màu đã xuất hiện sau gần... 3 ngày (từ 4 giờ sáng 8.10 đến 6 giờ chiều 10.10) kể từ khi chiếc tàu hàng gặp nạn. Đã thế, khi trực thăng tiếp cận được hiện trường thì trời đã bắt đầu tối, do vậy lực lượng cứu hộ đã chọn phương án rải dây thừng từ tàu mắc cạn vào đến bờ, thả thức ăn cho thuyền viên rồi bay vào bờ. Các thuyền viên trên tàu lại thêm một đêm sống trong lo âu, sợ hãi. Hàng ngàn người trên bờ cũng chỉ còn biết cầu nguyện cho họ bình yên mà thôi. Cuối cùng rồi cuộc giải cứu cũng đã thành công dù có một người tử nạn.
Lý giải cho phương án chậm dùng trực thăng là do yếu tố thời tiết không bảo đảm nhưng để suốt đến 3 ngày, đến khi “thời tiết bảo đảm” thì máy bay mới bay vào! Bài học cần được phân tích rành mạch và thấu đáo là việc rút kinh nghiệm trong phối hợp, bố trí phương tiện cứu hộ cứu nạn hiện đại đã phù hợp và hợp lý chưa? Có thể phản ứng nhanh hơn nữa hay không? Thậm chí nguồn lực cứu hộ hiện đại đã đủ không?... Dù sự tinh nhuệ của lực lượng đặc công nước hay sự dũng cảm có thừa của người dân là một yếu tố rất quan trọng, nhưng nếu có điều kiện cứu hộ tốt hơn để giữ an toàn cao nhất tính mạng con người - cho lực lượng cứu hộ lẫn người cần cứu vẫn là một lựa chọn ưu tiên số một.
Bình luận (0)