Từng luôn ở thế bị động, bị quấy rối, làm phiền liên tục vì hàng chục cuộc gọi rác mời chào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng mỗi ngày, người dùng nay đã có thể chủ động báo cáo các thuê bao rác qua tổng đài 5656, để nhà mạng đưa vào “blacklist” (danh sách khóa thuê bao). Đặc biệt, quyền từ chối cao nhất là tham gia Danh sách không nhận quảng cáo (DoNotCall), tất cả những trường hợp gọi điện, nhắn tin quảng cáo đến các đầu số này đều sẽ bị xử phạt với số tiền lên tới 60 - 100 triệu đồng.
Chế tài không chỉ áp với các thuê bao rác, mà còn với chính các doanh nghiệp viễn thông, internet nếu không thực hiện biện pháp để ngăn chặn hành vi phát tán nội dung rác, sẽ chịu mức phạt cao nhất tới 170 triệu đồng.
Trước khi Nghị định 91 ra đời, việc chặn “rác” viễn thông từng được đặt ra với các Nghị định 90/2008/NĐ-CP, Nghị định 77/2012/NĐ-CP, song không hiệu quả.
Vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác luôn nóng lên tại mỗi kỳ chất vấn Quốc hội những năm trước đây, nhiều lời cam kết từng được đưa ra, nhiều đợt ra quân xử lý cũng đã được thực hiện. Nhưng kết quả vẫn là “bắt cóc bỏ đĩa”, rác viễn thông vẫn ngang nhiên tồn tại. Nguyên nhân thì có nhiều, như thiếu chế tài, thiếu giải pháp, song mấu chốt nhất vẫn là thiếu triệt để từ cơ quan quản lý, trong khi các nhà mạng thường thực hiện đối phó, qua loa, bởi họ chính là đối tượng hưởng lợi ích đan cài từ việc phát hành sim rác, cho thuê đầu số thuê bao quảng cáo...
Nghị định 91 với hàng loạt biện pháp mạnh tay đã thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ cũng như Bộ TT-TT trong cuộc chiến với rác viễn thông, bắt buộc nhà mạng làm đúng, làm đủ trách nhiệm, cũng như trao quyền chủ động cho chính người dùng.
Song không có nghĩa tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã được quét sạch. Sau hơn nửa tháng Nghị định 91 có hiệu lực, bản thân người viết và rất nhiều người dùng khác hiện mỗi ngày vẫn nhận được ít nhất 5, 6 cuộc gọi từ bất động sản, trung tâm chăm sóc sức khỏe...
Theo Cục Viễn thông, việc vẫn còn nhiều cuộc gọi rác do người dùng phối hợp chưa tốt, tỷ lệ trả lời câu hỏi để xác thực nội dung cuộc gọi hiện rất thấp, khiến các nhà mạng khó khăn trong xác định thuê bao thực hiện cuộc gọi rác. Các nhà mạng thì cho rằng, những nguồn phát tán tin có rất nhiều mánh khóe, thường xuyên thay đổi hành vi, lách quy định để né việc bị nhà mạng khóa, chặn.
Với tâm lý e ngại chế tài nặng, các nguồn phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác có thể sẽ giảm bớt trong thời gian đầu, nhưng sẽ lập tức bùng phát trở lại nếu cơ quan quản lý hay nhà mạng lơ là, thiếu triệt để. Chặn rác viễn thông vì vậy phải là cuộc chiến dài hơi và cần sự quyết liệt từ phía Bộ TT-TT cũng như các nhà mạng, nếu không muốn lặp lại tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như trước đây.
Bình luận (0)