Cựu kế toán trưởng công an quận tham ô tài sản, bỏ trốn suốt 27 năm

02/08/2024 15:50 GMT+7

Cựu Kế toán trưởng Công an Q.Ba Đình (Hà Nội) tham ô hơn 843 triệu đồng của đơn vị, sau đó bỏ trốn suốt 27 năm.

Viện KSND TP.Hà Nội mới đây ban hành cáo trạng truy tố bị can Phạm Tiến Dũng (64 tuổi, cựu Kế toán trưởng Công an Q.Ba Đình, Hà Nội) về tội tham ô tài sản, theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015.

Cựu kế toán trưởng công an quận tham ô tài sản, bỏ trốn suốt 27 năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

TUYẾN PHAN

Giả chữ ký của trưởng công an quận để tham ô tiền

Hồ sơ vụ án cho thấy, năm 1989, bị can Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm chức vụ Kế toán trưởng Công an Q.Ba Đình kiêm Đội phó Đội Hậu cần, chịu trách nhiệm về hoạt động tài chính kế toán của đơn vị.

Quá trình làm việc, do nợ nần nhiều, bị can Dũng lợi dụng quyền hạn được giao để chiếm đoạt tiền của đơn vị, thông qua việc giả chữ ký của trưởng và phó trưởng Công an Q.Ba Đình, lập các hồ sơ giả, để rút và chiếm đoạt hơn 843 triệu đồng.

Từ tháng 4.1995 đến tháng 12.1996, bị can Dũng viết giả nội dung trên 12 ủy nhiệm chi kèm theo séc bảo chi, với tổng số tiền hơn 543 triệu đồng.

Để rút được số tiền trên tại Kho bạc Nhà nước, bị can thông đồng với 3 đối tượng khác, mượn tài khoản của một cá nhân để chuyển tiền từ kho bạc, nhằm chiếm đoạt.

Ngoài ra, bị can còn làm giả hồ sơ để rút 300 triệu đồng tiền tang vật trong vụ án được gửi tại tài khoản tạm giữ của Công an Q.Ba Đình.

Theo đó, tháng 11.1995, Công an Q.Ba Đình thu giữ 300 triệu đồng của Công ty ADC thuộc vụ án cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố.

Quá trình giải quyết vụ án, cán bộ công an thụ lý hồ sơ vụ việc đã làm thủ tục chuyển số tiền này vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc.

Tuy nhiên, cũng vì cần tiền để trả nợ, Phạm Tiến Dũng nảy sinh ý định tham ô số tiền trên. Bị can làm một bộ hồ sơ giả văn bản đề nghị của thủ trưởng đơn vị, các quyết định của cơ quan pháp luật có thẩm quyền… rồi chỉ đạo bà Phạm Thị Diện (65 tuổi, khi đó là thủ quỹ Công an Q.Ba Đình) cùng nhau đến kho bạc rút tiền.

Tại kho bạc, bị can Dũng là người trực tiếp làm thủ tục rút tiền, bà Diện là người ký nhận số tiền 300 triệu đồng mang về đơn vị.

Cả hai người không báo cáo lãnh đạo, không vào sổ quỹ đơn vị, không chuyển cho Đội điều tra tội phạm về kinh tế giải quyết, mà chiếm đoạt để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Mãi đến tháng 8.1996, khi Viện KSND tối cao có công văn gửi Công an Q.Ba Đình về việc xử lý vật chứng là số tiền 300 triệu đồng trong vụ án, sự việc mới được phát hiện.

Bỏ trốn suốt 27 năm

Bị can Phạm Tiến Dũng bỏ trốn, bị cơ quan điều tra ra lệnh truy nã. Đến tháng 12.2023, tức 27 năm sau, cựu kế toán trưởng mới đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Đối với nhóm Phạm Thị Diện và một số người liên quan, những đối tượng này bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho hành vi tham ô tài sản của bị can Dũng. Nhưng do bị can Dũng bỏ trốn, các đối tượng được cơ quan tố tụng tạm đình chỉ điều tra.

Đến nay, do nhóm đối tượng đã nộp lại hết số tiền hưởng lợi bất chính, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã hết, nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vẫn theo cáo trạng, hành vi phạm tội của bị can Dũng diễn ra từ năm 1995, nhưng căn cứ Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội và để bảo đảm nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Viện KSND TP.Hà Nội quyết định áp dụng quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015 để truy tố bị can.

Điểm b khoản 1 điều 2 Nghị quyết 41/2017 quy định: nếu các điều khoản của bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt nhẹ hơn và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.