Ngoài ra, sản phụ bị đau bụng dữ dội tim thai 70-80 lần/phút, bác sĩ tiếp xúc khó do sản phụ rên la, đau bụng nhiều từng cơn liên tục, không khai thác được từ sản phụ mang thai lần mấy, thai bao nhiêu tuần, không có giấy tờ khám thai…
Ngày 26.6, thạc sĩ, bác sĩ Trương Phan Thu Hiền - Phó trưởng khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, cho biết: Đây là cuộc vượt cạn phức tạp do không biết được tuổi thai, không ước lượng được cân nặng của thai, thai đang ở thế ngôi mông kèm sa chi, 1 chân thai nhi đã thò ra ngoài, bụng co cứng liên tục, tim thai suy. Nếu xử lý chậm trễ, sản phụ và thai nhi sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Khi tiếp nhận sản phụ, bác sĩ nhanh chóng đỡ lấy chân thai nhi và chuyển vào phòng mổ cấp cứu.
Theo bác sĩ Thu Hiền, thời gian lúc đó được tính bằng phút, vì những trường hợp ngôi mông không hoàn toàn - kiểu chân như trường hợp trên có thể làm tăng nguy cơ bị sa dây rốn, gây áp lực lên rốn và hạn chế lượng máu đến thai. Ngoài ra khi không khám được rõ thế của thai trong tử cung và không ước lượng được cân nặng của thai nhi thì việc xử lý khó khăn hơn.
“Vì nếu thai nhi lớn thì khả năng kẹt đầu hậu khi sanh ngã âm đạo có thể xảy ra, như vậy nếu không được cấp cứu kịp thời thì suy thai cấp, bé ngạt thở và thậm chí tử vong là điều khó tránh khỏi”, bác sĩ Hiền nói
Ê kíp trực khẩn cấp đưa sản phụ vào phòng mổ cấp cứu, một bé gái nặng 2,1 kg chào đời bình an. Hiện sức khỏe 2 mẹ con sản phụ đều tiến triển tốt. Mẹ đã có thể đi lại nhẹ nhàng, bé hồng hào, khóc to, bú tốt.
Qua sự việc này, bác sĩ Hiền khuyến cáo các sản phụ phải đi khám thai định kỳ để phòng ngừa các rủi ro khi sinh đối với thai ngôi mông. Ngoài ra cần thăm khám, quản lý thai kỳ chặt chẽ và làm xét nghiệm đầy đủ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, đặc biệt lập tức đến bệnh viện dù trong mùa dịch Covid-19 nếu thấy có dấu hiệu bất thường.
Bình luận (0)