Cưu mang chim trời: Cho những cánh chim tự do

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
31/12/2022 09:09 GMT+7

Tình cảm của những người yêu chim trời hẳn đã và đang đánh thức lương tri của rất nhiều người dù đâu đó, tiếng súng săn vẫn nổ, lưới bẫy chim vẫn giăng sẵn…

“Xin buông tha cho chúng !”

Đó là lời khẩn thiết của ông Võ Công Xuân (50 tuổi, xã Hoa Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình - người xây tổ chim trời giữa phá Hạc Hải) và ông Hồ Hữu Lành (40 tuổi, trú xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị - người bỏ tiền thuê đất, trồng tràm để làm nơi trú ngụ cho 6.000 con chim trời) mà Báo Thanh Niên đã đề cập trong những kỳ trước của loạt bài này.

Là một người dày dạn kinh nghiệm săn bắn chim và cả chuyện… chống săn bắn chim, ông Xuân bảo nếu được quay ngược thời gian, ông sẽ không bao giờ đụng tay vào cung ná. “Đối diện với những kẻ săn trộm chim trên phá Hạc Hải, tôi như thấy lại hình ảnh của mình ngày trước. Nhưng không biết nói thế nào cho họ hiểu sự hối hận trong lòng tôi bây giờ…”, ông Xuân thổ lộ. Có những lúc chứng kiến lũ chim bị sát hại, ông gào lên trước mặt bọn săn trộm. Tất nhiên, họ cũng e ngại mà rời đi, nhưng lũ chim thì không thể sống lại.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình thu gom các phương tiện đánh bẫy chim trời

THANH LỘC

Còn ông Lành cũng thường có những đêm mất ngủ. Chỉ cần nghe tiếng chim kêu dáo dác ngoài rừng tràm, ông lại bật dậy, dò dẫm ra xem có chuyện gì đang xảy ra ngoài kia. “Nỗi ám ảnh về những người săn trộm chim đi theo tôi vào cả giấc ngủ, trong từng cơn mơ. Nhiều khi tỉnh giấc mà thấy nước mắt chực trào”, ông Lành kể.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình thu gom, tiêu hủy các phương tiện đánh bẫy chim trời

THANH LỘC

Điều ông Xuân, ông Lành mong mỏi nhất bây giờ là sự chia sẻ, thấu hiểu hơn của bà con trong vùng và cả chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng về những gì hai ông đang làm, dù thực tế trong xóm làng đã có nhiều tiếng nói ủng hộ họ hơn. “Nếu bà con không đồng hành với chúng tôi thì chí ít hãy đừng là kẻ săn bắn chim hay tiếp tay cho nạn tận diệt chim trời. Chỉ có vậy loài chim mới còn cơ hội. Và mọi người cũng có cơ hội nhìn thấy được những cánh chim trời bình yên, tung cánh giữa vòm trời tự do”, ông Xuân gửi gắm.

Ông Xuân thậm chí có ý tưởng xây dựng tour du lịch xanh xuyên qua phá Hạc Hải vào mùa xuân, để mọi người được thấy đàn chim. “Từ thấy sang…yêu, cũng gần lắm”, ông nói. Còn đối với ông Lành, may mắn là ở cù lao Bắc Phước (Quảng Trị) đã có một “cộng đồng mê chim” khiến ông không thấy lẻ loi…

Mỗi năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình phối hợp với công an, biên phòng ra quân tháo gỡ, tiêu hủy trên dưới 50.000 dụng cụ, phương tiện đánh bẫy chim trời

THANH LỘC

“Giải cứu” chim trời

Nhưng với kẻ săn trộm và đánh bẫy chim trời, những lời khuyên răn, ngăn cản cứ như nước đổ lá môn. Thường thì họ sẽ ngoảnh mặt, tạm rời đi nơi khác rồi sau đó tiếp tục quay lại giăng bẫy. Cũng có lúc họ hung hăng đáp trả, gây hấn với những người “xía vào việc làm ăn” của mình. Vậy nên, sự vào cuộc của lực lượng chức năng để giải cứu chim trời luôn rất cần thiết.

Ở Quảng Bình, vào mùa mưa bão (tháng 9 - 11), từng đàn chim bay về đậu đầy trên các cánh đồng ở H.Quảng Trạch. Những lúc ấy, cánh đồng mùa nước nổi trắng xóa một màu bởi những đàn cò. Và đây là lúc các loại bẫy chim, bẫy cò do người dân tự chế giăng ra chực chờ.

Những con chim giả cộng với âm thanh chim mồi sẽ dụ chim dễ dàng sa vào bẫy - được tạo nên bởi chi chít những que tre nhỏ tẩm nhựa dính. Chỉ cần lũ chim, cò sà xuống là chẳng thể nào cất cánh bay lên được. Ở một số nơi dọc các bờ ruộng, những tấm lưới “tàng hình” được giăng 3 - 4 lớp chồng cao lên nhau. Khi đàn cò, vạc, sẻ, gà đồng, quốc, cói, diệc... bay qua, chúng rất khó phát hiện mối nguy phía trước và dễ dàng sa lưới. Sau những tiếng kêu khắc khoải, điểm đến của chúng là nhà hàng, quán nhậu…

Chỉ khi các nhà hàng không phục vụ, người dân không xem chim trời là món đặc sản khoái khẩu, thì chúng mới có cơ hội sống.

Ông Võ Công Xuân
người cưu mang chim trời trên phá Hạc Hải

Tình cảnh đó buộc những người yêu chim không thể ngồi yên. Ở những xã có nhiều chim trời tìm về như Quảng Đông và Quảng Xuân (H.Quảng Trạch, Quảng Bình), người ta đã bắt đầu quen với hình ảnh những chiến sĩ công an đi vào từng ngõ hẻm, từng gia đình tuyên truyền chấm dứt tình trạng săn bắt chim trời hoặc lội bì bõm trên đồng để thu gom, tiêu hủy cò giả đang găm chi chít. Cũng chính họ giải cứu những chú chim mắc bẫy, thả về với tự nhiên.

Những tháng chim bay về trú ngụ, ngoài công việc giữ gìn an ninh trật tự, lực lượng công an xã lại có thêm nhiệm vụ khá đặc biệt: Giải cứu và bảo vệ đàn chim trời. Thiếu úy Ngô Quý Đức (Công an xã Quảng Xuân) kể mỗi lần phát hiện chim mắc bẫy là thêm một lần anh nhìn thấy ánh mắt hoảng loạn, sợ sệt của chúng, rất ám ảnh. “Chỉ khi được giải thoát, được tung cánh, chúng mới bay lên đầy hân hoan. Cứu một sinh linh, ai cũng vui, huống là những người được huấn luyện để gìn giữ trật tự, sự bình an xã hội như chúng tôi”, thiếu úy Đức tâm sự.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền để giải cứu chim trời

Lực lượng biên phòng cũng không đứng ngoài cuộc. Đồn biên phòng Lý Hòa (H.Bố Trạch, Quảng Bình) hồi cuối tháng 10 đã triển khai lực lượng thu giữ, tiêu hủy ngàn con cò giả cùng những chiếc bẫy cò cắm dọc các cánh đồng thuộc xã Thanh Trạch. Những chiến sĩ biên phòng cũng mở đợt tuyên truyền đến tận thôn xóm, kêu gọi từ bỏ thói quen đặt bẫy, tận diệt chim trời và không quên lưu ý sẽ kiên quyết xử phạt những người vi phạm, chống đối.

Trong một nỗ lực ngăn chặn hành vi tận diệt chim trời, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra văn bản nghiêm cấm săn bắt, kinh doanh, chế biến chim hoang dã. Trong đó có việc yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết không mua, bán, giết mổ các loài chim hoang dã. “Chỉ khi các nhà hàng không phục vụ, người dân không xem chim trời là món đặc sản khoái khẩu, thì chúng mới có cơ hội sống”, ông Võ Công Xuân, người cưu mang chim trời trên phá Hạc Hải, đúc rút.

Mỗi năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình phối hợp với công an, biên phòng ra quân tháo gỡ, tiêu hủy trên dưới 50.000 dụng cụ, phương tiện đánh bẫy chim trời, giải cứu hàng ngàn con chim, đồng thời xóa bỏ các tụ điểm mua bán chim trời trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay tình trạng săn bắt, mua bán chim hoang dã vẫn diễn ra. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể về việc xử phạt cũng như mức phạt đối với các hành vi bẫy bắt chim trời và đây là trở ngại lớn trong nỗ lực ngăn chặn những kẻ săn bắt, mua bán chim.

Cưu mang chim trời

'Trả nợ' chim trời giữa phá Hạc Hải

'Đất của Lành' nên chim đậu

Cứ địa của cò

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.