Cưu mang học trò vùng núi lở

Mạnh Cường
Mạnh Cường
19/11/2022 07:15 GMT+7

Các thầy cô ở một ngôi trường vùng cao Quảng Nam vừa cưu mang cả trăm học trò, vừa lo kèm cặp, dạy học mỗi đêm.

Đến thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc (xã Phước Lộc, H.Phước Sơn, Quảng Nam) vào giờ ra chơi, chúng tôi cảm nhận được sự "không giới hạn" và tình thương yêu lan tỏa giữa học sinh (HS) cùng giáo viên, nhất là những giáo viên từ miền xuôi lên. “Ở đây, các thầy cô luôn vui vẻ, chơi đùa cùng học trò nhằm xóa bỏ khoảng cách, giúp các em thoải mái hơn trong học tập”, cô Đinh Thị Tươi, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

Cô Hồ Thị Xuân cầm tay học sinh dạy viết chữ

MẠNH CƯỜNG

Toàn trường có 185 HS, nhưng có đến 170 em học bán trú, theo quy định chỉ được ăn bữa trưa rồi về nhà. Vì đường sá xa xôi, nhà trường quyết định giữ các em ở lại từ thứ hai đến thứ sáu để chăm lo miếng ăn giấc ngủ như chế độ nội trú. Từ nguồn hỗ trợ HS bán trú, muốn đảm bảo chất lượng bữa ăn đủ dinh dưỡng, các thầy cô phải tự trích lương tháng, tìm nguồn vận động... “HS ở đây đi xa nhất phải đến 20 cây số, gần nhất cũng hơn 8 cây số, nên để các em ra về mỗi ngày chúng tôi không yên tâm. Ngoài việc lo miếng ăn giấc ngủ, chúng tôi còn cử thầy cô kèm cặp, dạy học vào mỗi tối. HS đang nhỏ, còn bỡ ngỡ nên các thầy cô phải bày dạy từng li từng tí. Chúng tôi xem các em như con của mình”, cô Tươi chia sẻ.

Mỗi ngày, giáo viên ở đây thay phiên nhau tập trung ôn tập cho HS từ 19 - 21 giờ, vừa trực cho HS trật tự học bài, vừa củng cố kiến thức cho các em. Những em học lực yếu sẽ được kèm cặp riêng. Hồ Thị Tuyết Nhung (lớp 9/1) nhà ở tận thôn 3, cách trường khoảng 20 cây số đường rừng nhưng đi học rất đều. “Ở đây tốt hơn ở nhà, cái chi cũng có thầy cô lo hết, có khi ở nhà còn thua thiệt hơn ở trường”, Nhung khoe và tâm sự: "Cuối tuần mới về nhà, đôi lúc cũng nhớ bố mẹ, nhưng ở đây có thầy cô và bạn bè nên em cũng đỡ buồn”.

Học sinh tập trung ăn trưa

mạnh cường

Ông Đỗ Hoài Xoan, Phó chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết xã Phước Lộc xa xôi, khó khăn nhất huyện nên các thầy cô đã tổ chức nội trú cho HS bán trú. “Nhà trường giữ HS bán trú ở lại, cuối tuần mới về nhà là giải pháp đúng đắn, huyện đánh giá rất cao. Hiện nay, ngoài chế độ ăn trưa bán trú thì huyện cũng đang xin chủ trương hỗ trợ thêm cho nhà trường để chăm lo cho HS”, ông Xoan nói.

Tiếng kẻng báo hiệu đến giờ ăn trưa vang lên. Gần 200 HS cùng thầy cô và nhân viên cấp dưỡng nhanh nhẹn dọn bữa trên những chiếc bàn tròn ở nhà bếp. Xong, cả thầy trò cùng ngồi ăn chung. Khoảng cách thầy trò xóa nhòa, mái trường trở thành mái nhà chung ở vùng núi lở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.