Cựu ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha |
afp |
Nếu đắc cử, bà Kang sẽ là người châu Á và cũng là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu ILO, cơ quan đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề lao động.
Hôm 14.3, Cơ quan Điều hành của ILO chính thức khai mạc kỳ họp thứ 344, trong đó một nội dung quan trọng là bầu vị trí tổng giám đốc ILO.
Cơ quan điều hành sẽ nghe điều trần kín của 5 ứng viên cho vị trí này. Cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành vào ngày 25.3.
Bên cạnh bà Kang, các ứng viên đang chạy đua vào ghế tổng giám đốc ILO là Chủ tịch Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp Gilbert Houngbo của Togo, Giám đốc Tổ chức Quốc tế của người sử dụng lao động Mthunzi Mdwaba của Nam Phi, cựu Bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud của Pháp, Phó tổng giám đốc ILO Greg Vines của Úc.
Cơ quan Điều hành ILO sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 25.3. Nhiệm kỳ mới của tổng giám đốc ILO sẽ bắt đầu từ ngày 1.10.2022. Tổng giám đốc đương nhiệm Guy Ryder (Anh) giữ chức từ năm 2012.
Bà Kang được xem là một trong những ứng viên nặng ký cho vị trí trên. Bà có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực ngoại giao và những vấn đề khác như nhân quyền và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trước khi trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, bà giữ nhiều vị trí tại Liên Hiệp Quốc, trong đó có vai trò cố vấn chính sách cấp cao của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.
Xuyên suốt sự nghiệp ngoại giao ở Seoul, Geneva và New York, bà tích cực vận động về vấn đề nhân quyền và thúc đẩy quyền bình đẳng cho nữ giới. Trong những cuộc đối thoại gần đây liên quan nỗ lực chạy đua vào ghế tổng giám đốc ILO, bà Kang cho rằng đã đến lúc ILO nên đón nhận nhân tố về khía cạnh lãnh đạo. Bà đặt mục tiêu trở thành cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Còn theo Đài KBS, giới lao động Hàn Quốc cho rằng các ứng cử viên từ Togo và Pháp đều khả năng trúng cử cao.
Việt Nam là thành viên của ILO. Tháng 5.2021, Chính phủ Việt Nam và ILO đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm (2021 - 2030).
Đến thời điểm này, VN đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm 7 trong tổng số 8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Theo bản ghi nhớ, VN dự kiến sẽ nghiên cứu việc gia nhập thêm các công ước của ILO phù hợp với yêu cầu, điều kiện và thực tiễn kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Bình luận (0)