Khai thác bệnh sử, ông S. cho biết ông đã đi khám ở một số bệnh viện tại TP.HCM với kết quả chẩn đoán ung thư đầu tụy, xâm lấn, tổn thương tắc mật, theo dõi di căn ổ bụng. Thể trạng ngày càng suy sụp, triệu chứng vàng da, ngứa ngáy toàn thân càng lúc càng nặng, thậm chí ông còn khai khi đi tiêu thấy phân trắng như "phân cò".
Ngày 22.5, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Viết, Phó giám đốc chuyên môn hệ thống Bệnh viện Xuyên Á (TP.HCM), cho biết sau khi kiểm tra rà soát lại tất cả các xét nghiệm lâm sàng và các chỉ định cận lâm sàng, một cuộc hội chẩn liên khoa (bao gồm các khoa Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi can thiệp) được triển khai
Từ cuộc hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp ung thư đầu tụy giai đoạn trễ, gây chèn ép ống mật chủ dẫn đến vàng da và kết mạc mắt ngày càng tăng. Dựa trên kết quả cận lâm sàng cho thấy túi mật căng to có thể vỡ bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Vấn đề đặt ra lúc này là dẫn lưu bằng phương pháp nào hiệu quả nhất, nhanh nhất, ít xâm lấn nhất.
Các bác sĩ đã đưa ra 3 phương án. Một là đặt stent đường mật ngược dòng, hai là nối đường mật - đường tiêu hóa và ba là mở thông túi mật ra da, theo thứ tự tối ưu giảm dần.
Trước khi tiến hành thực hiện, ê kíp các bác sĩ đã tư vấn lại cho bệnh nhân và gia đình về các phương án điều trị trên, người nhà đồng ý thực hiện ca phẫu thuật.
Bác sĩ Viết đã quyết định chỉ định nội soi dạ dày nhằm thăm dò và hy vọng có thể tìm cách tiếp cận đường mật bằng kỹ thuật ERCP (nội soi tụy mật ngược dòng). Rất may mắn, bệnh nhân được ê kíp các bác sĩ thực hiện đặt stent đường mật thành công.
"Sau thủ thuật, hiện tại bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, vui vẻ về tinh thần, ăn uống khá hơn. Dự kiến khoảng 7-10 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện, hẹn tái khám sau 3 tuần. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và có kế hoạch điều trị tiếp cho người bệnh, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân", bác sĩ cho hay.
Bình luận (0)