Cứu người đàn ông mắc bệnh Whitmore, nhiễm trùng nặng

Lê Cầm
Lê Cầm
17/11/2022 10:42 GMT+7

Anh S.M (31 tuổi, quốc tịch Campuchia ) làm việc thường xuyên tại khu vực rừng núi, 1 tháng trước khi nhập viện xuất hiện tình trạng sốt kéo dài.

Anh M. đã đi khám, được nhập viện điều trị tại một bệnh viện ở Campuchia với chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần nằm viện, các dấu hiệu sốt, khó thở tăng dần và anh nhận được kết quả cấy máu dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Trước tình trạng sốt cao liên tục, khó thở không giảm, người thân bệnh nhân xin cho bệnh nhân chuyển viện để tiếp tục điều trị.

Anh S.M nhập viện khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, trong tình trạng nhiễm trùng nặng, bác sĩ nhận định đây là một trường hợp khó, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Ngày 17.11, BS.CKI Nguyễn Lâm Vĩnh Phúc (khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết sau khi tiếp nhận, bệnh nhân nhanh chóng được sử dụng kháng sinh mạnh theo phác đồ và xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng, tìm bệnh lý nền, chụp cắt lớp vi tính ngực, bụng. Kết quả cho thấy tình trạng nhiễm trùng đang diễn tiến nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết, kèm theo viêm phổi nặng có tạo hang, tràn dịch màng phổi lượng nhiều, áp xe lách và đồng thời phát hiện người bệnh có bệnh lý nền đái tháo đường loại 2 nhưng chưa từng được phát hiện và điều trị trước đây.

Ảnh chụp X-quang phổi bệnh nhân trước và sau khi điều trị

bscc

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện, phối hợp nhiều chuyên khoa để lên phương án điều trị thích hợp. Sau đó, người bệnh được chuyển đến khoa ICU để hồi sức, theo dõi sát liên tục cho đến khi qua khỏi cơn nguy kịch và được khoa Nội tổng hợp tiếp tục điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng, lên kế hoạch theo dõi, điều trị ngoại trú sau 1 tháng nằm viện.

Theo BS.CKI Nguyễn Lâm Vĩnh Phúc, bệnh Whitmore hay còn gọi là melioidosis là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh thường gặp ở Bắc Úc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vi khuẩn này sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da. Lây truyền từ người sang người hay lây truyền từ động vật sang người là hiếm gặp. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn da mô mềm, áp xe các cơ quan nội tạng (gan, lách, thận, tiền liệt tuyến…).

Vì đặc điểm có thể tổn thương nhiều nơi trên cơ thể nên người dân hay gọi bệnh này là do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người". Bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh lý nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính...) mắc bệnh có khả năng diễn tiến nặng hơn. Bệnh cần được điều trị tấn công bằng kháng sinh đường tĩnh mạch ít nhất 2 tuần, sau đó duy trì bằng kháng sinh đường uống trong tối thiểu 3 tháng, thời gian điều trị thay đổi tùy từng người bệnh, phụ thuộc vào mức độ bệnh và cơ quan tổn thương.

BS.CKI Võ Thị Huỳnh Nga, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho hay: May mắn là chúng tôi đã xác định đúng nguyên nhân và phối hợp các chuyên khoa điều trị kịp thời, cứu sống được người bệnh. Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn bằng cách sử dụng các dụng cụ bảo hộ như mang găng tay cao su, đi ủng.

"Khi có vết thương nhiễm đất hoặc nước bẩn, cần rửa sạch ngay với xà phòng và nước sạch. Ngoài ra, mọi người còn cần quan tâm khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kịp thời phát hiện, theo dõi, điều trị các bệnh lý nền mạn tính", bác sĩ khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.