Trưa 4.1, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết cả hai bé đều thuộc những trường hợp sinh cực non lại kèm suy hô hấp nặng do bệnh màng trong. Sau mổ các bé đều được bác sĩ sơ sinh hồi sức nhanh chóng, thở máy và nuôi ăn tĩnh mạch…
Trước đó, đầu tháng 12.2016, chị N.T. N. 20 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ nhập viện với chẩn đoán thai 27 tuần, ngôi ngang, vỡ ối, nhau tiền đạo trung tâm. Ngay khi nhập viện các bác sĩ bệnh viện nhanh chóng tiến hành mổ lấy thai được 1 bé gái cân nặng chỉ 800 gram.
Nửa tháng sau, chị T. C. T, ngụ tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, Cần Thơ cũng nhập viện với chẩn đoán thai 29 tuần, mẹ tăng huyết áp mạnh, tiền sản giật. Chị T. lập tức được tiến hành phẫu thuật lấy thai được 1 bé trai với cân nặng chỉ 750 gram.
Qua thời gian chăm sóc điều trị đặc biệt của các bác sĩ, đến nay, các bé đã tự thở, hấp thu sữa tốt và lên cân nhanh. Con chị N. đã được 1,13 kg; còn con chị T. từ được hơn 880 gram.
Theo bác sĩ Hà, trường hợp bé sinh non và cực non thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tử vong như: suy hô hấp nặng, nhiễm trùng, viêm ruột… do cấu trúc, chức năng cơ thể bé chưa trưởng thành. Vì vậy, ngoài việc phải chăm sóc các bé ở đơn vị chăm sóc sơ sinh đặc biệt, bệnh viện còn áp dụng phương pháp Kangaroo và da kề da sớm với mẹ để giữ ấm, hạn chế nhiễm trùng, tạo cho bé cảm giác an toàn như trong bụng mẹ và thích nghi dần với môi trường bên ngoài…
tin liên quan
Nhiệt độ ảnh hưởng thế nào đến việc sinh non?Nghiên cứu mới cho thấy phụ nữ mang thai phải chịu đựng nhiệt độ cực đoan, dù nóng hay lạnh, có thể bị tác động nhiều hơn cảm giác khó chịu.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, cho biết việc điều trị thành công 2 bé sinh cực non kèm suy hô hấp nặng trên là một kỳ tích mang lại nhiều hy vọng trong điều trị cho trẻ sơ sinh ở Cần Thơ và cả Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bác sĩ Dự, để hạn chế sinh non như hai trường hợp trên, phụ nữ khi mang thai cần khám thai định kỳ chặt chẽ, những trường hợp có nguy cơ cao sẽ được tầm soát sớm hơn để được điều trị dự phòng, tiêm trưởng thành phổi, giúp giảm đi tỷ lệ bệnh màng trong đáng kể.
Bình luận (0)