Cứu sống kịp thời nam thanh niên bị đâm thủng bụng

Lê Cầm
Lê Cầm
22/07/2022 14:32 GMT+7

Bệnh nhân L.M.H (20 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh ) được người nhà đưa đến cấp cứu Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh trong tình trạng vết thương thấu bụng, ruột xổ ra thành bụng.

Người nhà cho biết cách lúc nhập viện 30 phút, bệnh nhân bị đâm dao vùng bụng. Người nhà xử trí bằng cách lấy tô úp lại, băng tạm thời, chuyển vào bệnh viện.

Sau khi tiếp nhận, bác sĩ ca trực xử lý sơ cứu ban đầu, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa hội chẩn khẩn tại giường bệnh.

Ngày 22.7, bác sĩ CKI Vi Văn Thành (chuyên khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh) cho biết kết quả chụp MSCT cho thấy vết thương hở thành bụng hố chậu phải có các tạng thoát vị ra ngoài thành bụng, gồm các quai ruột và mạc nối, dịch ổ bụng dương, tụ khí trong mô mềm và lớp cơ thẳng bụng bên phải. Xác định tình trạng khẩn, bệnh nhân đang mất nhiều máu, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ thống nhất chỉ định phẫu thuật.

Bệnh nhân được người nhà úp tô vào bụng băng bó sơ cứu ban đầu trước khi nhập viện

bvcc

Tại phòng mổ, bác sĩ quan sát thấy hố chậu phải có vết thương thấu bụng lòi ruột ra ngoài đường kính khoảng 2x5 cm, có rất nhiều máu trào ra trong ổ bụng. Ê kíp Ngoại tổng quát hút ra khoảng 1800 ml máu đỏ tươi, có vết thương thủng tá tràng.

Ê kíp Ngoại tiết niệu xử lý tổn thương niệu quản phải, tiếp đến ê kíp Phẫu thuật tim mạch lồng ngực tái lưu thông tĩnh mạch chủ dưới. Các bác sĩ tiếp tục xử lý khâu vết thương đại tràng, khâu vết thương tá tràng, mở dạ dày, tạo ống thông dạ dày - tá tràng hút liên tục dịch tá tràng, mở hỗng tràng nuôi ăn và xử trí khâu thành bụng. Kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực để theo dõi và điều trị.

Theo bác sĩ Thành, tổn thương tá tràng là một trong những tổn thương phức tạp và nguy hiểm của đường tiêu hóa, do dịch dạ dày, dịch mật tiết ra liên tục tàn phá thương tổn và phải điều trị kéo dài. Nhờ sự phối hợp nhanh chóng và kịp thời giữa các khoa, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm.

Sau hồi sức tích cực, bệnh nhân được chuyển về Khoa Ngoại tổng quát, được các bác sĩ điều trị theo dõi liên tục và đáp ứng tốt với phác đồ điều trị. Bệnh nhân dần hồi phục và được cho xuất viện sau 21 ngày điều trị.

Bệnh nhân hồi phục sức khỏe sau 21 ngày điều trị

bvcc

Bác sĩ Thành cho biết, bên trong ổ bụng chứa nhiều cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, một số cơ quan khác như tuyến thượng thận và mạch máu lớn. Khi có vết thương hoặc chấn thương vùng này sẽ dễ dẫn đến thủng, vỡ tạng gây chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân H. rất may mắn vì được người nhà sơ cứu đúng cách, giữ được phần tạng lòi ra không bị nhiễm trùng, băng cầm máu và đưa đến bệnh viện kịp thời.

Các chấn thương vùng bụng thường có nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời. Đặc biệt, đối với các vết thương thủng tá tràng, vết thương nặng lộ phần tạng ra ngoài như: ruột, mạc nối lớn... tuyệt đối không cố gắng đẩy vào trong. Để giúp hạn chế phần nào sự nhiễm trùng thì hãy dùng gạc sạch đậy lên trên và tưới nước muối sinh lý liên tục. Nếu không, có thể dùng chén, tô, chậu nhỏ bằng nhựa, bằng thủy tinh... úp lên trên và giữ kín rồi nhanh chóng chuyển đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa để cấp cứu kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.