Ca sinh kỳ diệu
Ngày 14.11, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một sản phụ mang thai lần 3 (thai 38 tuần) bị sốt xuất huyết rất nặng, đe doạ tính mạng cả mẹ và con.
Bệnh nhân là Ph.Th.T.M (31 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, Sóc Trăng) trước đó nhập viện điều trị tại một bệnh viện ở Cần Thơ vì sốt cao liên tục, được chẩn đoán thai 38 tuần/giảm tiểu cầu không đặc hiệu/phù thai nghén/sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu giảm rất nặng 13.000/mm3 (số lượng tiểu cầu bình thường 150.000 -300.000/mm3) nguy cơ tử vong cao.
Sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ sanh và tình trạng ngày càng nặng thêm và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ rạng sáng 9.11.
Nhận định đây là ca cấp cứu rất nặng, đặc biệt do chỉ số tiểu cầu của sản phụ giảm rất nặng, đã xuất huyết nhiều nơi, các bác sĩ đã tiến hành truyền cấp cứu 1 đơn vị tiểu cầu gạn tách. Nhờ cấp cứu kịp thời nên tới sáng cùng ngày, số lượng tiểu cầu của sản phụ đã ở mức an toàn. Hơn 5 tiếng sau khi truyền tiểu cầu, sản phụ chuyển dạ và sanh thường được 1 bé trai cân nặng 3,5 kg. Em bé cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của người nhà và các bác sĩ điều trị. Niềm vui cứu được em bé chưa được bao lâu thì lo lắng tột độ lại ập đến khi sản phụ bị băng huyết nặng sau sinh do đờ tử cung, giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết Dengue.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Ê kíp phẫu thuật do BSCK2 Nguyễn Thị Linh Hà, Ths.BS Trần Khánh Nga, BS Nguyễn Văn Dương, BS Trần Công Danh đã tiến hành phẫu thuật cắt tử cung bán phần. Thật kỳ diệu khi chỉ sau hơn 20 phút, ê kíp đã phẫu thuật thành công.
Chỉ trong 3 ngày điều trị ở khu hậu phẫu, bệnh nhân đã được truyền 13 đơn vị chế phẩm máu, tiểu cầu. Đến sáng 14.11, sức khỏe của sản phụ M. đã hồi phục dần, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn, vết mổ khô, đã rút ống dẫn lưu, không dấu xuất huyết mới, số lượng tiểu cầu hiện tại 90.000/mm3. Em bé con sản phụ M. cũng hồng hào, khóc to, bú được. Dự kiến hai mẹ con sẽ ra viện trong 2 ngày tới.
Cẩn trọng với sốt xuất huyết Dengue ở thai phụ
Theo BSCK2 Nguyễn Thị Linh Hà, sốt xuất huyết ở thai phụ thường khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu. Hơn nữa tình trạng giảm tiểu cầu, men gan tăng và xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết đôi khi “đánh lừa” bác sĩ sản khoa là thai phụ có hội chứng HELLP (một biến chứng của tiền sản giật). Triệu chứng của hai bệnh này khá giống nhau, chỉ khác biệt là sốt xuất huyết có sốt, còn HELLP có tăng huyết áp. Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue ở phụ nữ có thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con. Thai phụ khi mắc sốt xuất huyết Dengue rất đáng lo ngại vì vi rút Dengue sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của người mẹ và con (thai nhi) gây rối loạn đông máu, điển hình nhất là làm giảm số lượng tiểu cầu. Khi lượng tiểu cầu giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiện tượng đông máu, tức là làm cho chảy máu kéo dài rất nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Nếu thai phụ chuyển dạ trong khi bị bệnh sốt xuất huyết, nhất là ở ngày thứ 3 và thứ 5 của sốt thì rất dễ bị băng huyết.
Sốt xuất huyết Dengue còn có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ, do đó rất dễ gây tử vong cho mẹ.
“Những gia đình có phụ nữ mang thai cần hết sức lưu ý, chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như hồ cá cảnh, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, tránh chỗ nước đọng... Nên báo cho nhân viên y tế những triệu chứng nghi ngờ như sốt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp... không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân”, BS Hà khuyến cáo.
Bình luận (0)