Ngày 5.3, TS-BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca mắc hội chứng QT dài, nguy cơ đột tử cao. Điển hình, bệnh viện vừa cứu sống nữ sinh 18 tuổi suýt bị đột tử khi tập văn nghệ.
Theo bệnh sử, trước khi vào viện, nữ sinh đang tập văn nghệ thì cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, té gồng người và mất ý thức hoàn toàn. Nữ sinh được các bạn hồi sức bằng cách nhồi tim, xoa bóp tim và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, nguy cơ tử vong cao.
Tại bệnh viện, nữ sinh được hồi sinh tim phổi nâng cao, sốc điện và chuyển Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não. Hai ngày sau, nữ sinh tỉnh lại và được chuyển đến Khoa Nhịp tim.
"Bệnh nhân được theo dõi điện tim 24 giờ và làm một số xét nghiệm chuyên sâu và loại trừ hội chứng QT dài bẩm sinh. Kết quả nghĩ nhiều bệnh nhân bị hội chứng QT dài do sử dụng thuốc", bác sĩ Trương Quốc Cường, Phó khoa Nhịp tim thông tin.
Theo bác sĩ Cường, trước đó, nữ sinh có cơ địa gầy, sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cân. Khi cho nữ sinh ngưng thực phẩm chức năng, điều chỉnh điện giải thì QT trở lại bình thường nên các bác sĩ nghĩ nhiều đến hội chứng QT dài do mắc phải. Một tuần sau nữ sinh tỉnh táo hoàn toàn, xuất viện.
Hội chứng QT dài là gì?
Hội chứng QT dài là một chứng rối loạn nhịp tim có thể gây ra nhịp nhanh, tim đập hỗn loạn. Nhịp tim đập nhanh có thể gây ra ngất đột ngột. Trong một số trường hợp, tim có thể thất thường và có thể gây đột tử.
Hội QT dài có thể do bẩm sinh, tức liên quan đến gien do tiền căn gia đình; do sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch như thuốc hạ cholesterol, thuốc tiểu đường, cũng như một số loại thuốc kháng nấm và chống loạn thần.
Tỷ lệ đột tử hằng năm ở bệnh nhân mắc hội chứng QT dài không triệu chứng, không điều trị là dưới 0,5%, nhưng tỷ lệ này tăng lên 5% ở bệnh nhân có tiền căn ngất.
Bác sĩ khuyến cáo, gia đình có người mắc hội chứng QT dài thì nên tầm soát như đo điện tim thường xuyên hơn.
Bình luận (0)