Cứu trợ tới vùng rốn lũ tại Lào

27/07/2018 07:41 GMT+7

Trời chưa sáng tỏ, từng đoàn xe từ Lào, Thái Lan, Việt Nam nối đuôi nhau vào vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do vỡ đập ở tỉnh Attapeu để nhanh chóng cứu trợ nạn nhân.

Sáng sớm, theo chân bộ đội Lào, chúng tôi vào được vùng rốn lũ, nơi có hàng ngàn ngôi nhà bị dòng nước xiết cuốn trôi. Hầu hết người dân sống ở các bản này đều nghèo và bị động. Họ không thể lường trước trận lũ lần này kinh hoàng đến thế nên chẳng có lấy một sự chuẩn bị nào.
Mất mát
“Sáng sớm mở mắt ra tôi vội chạy lên mỏm đá cao trên đồi nơi cả nhà nhanh chân trốn lũ để nhìn về chỗ mình ở. Mênh mông chỉ một màu nước. Dòng nước xiết cuốn trôi đồ nghề, bàn thờ, quần áo và cả số tiền tiết kiệm ít ỏi vợ chồng tôi tích góp được trong vòng hơn một năm nay”, anh Bùi Thế Phương (29 tuổi, quê Ninh Bình) thổn thức. Cũng như nhiều người quen khác qua Lào làm ăn với ước vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, thế nhưng sau trận lũ lần này có thể gia đình anh sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Giờ không nhà cửa, không tiền bạc và không một hy vọng nào về việc sẽ được đền bù sau lũ bởi gia đình anh chỉ buôn bán nhỏ, nhà thuê. Vợ chồng anh lại phải chuẩn bị cho những ngày làm mướn như lúc mới bước chân sang Lào nhiều năm trước.
Trở về sau 3 ngày bị cô lập trên núi Ảnh: Lam Ngọc
Lâm vào cảnh dở khóc dở cười, gia đình chị Trần Hồng Thắm (44 tuổi, quê Quảng Bình) giờ chỉ biết nhìn hơn 200 bao xi măng bột chết cứng thành những tảng bê tông. “Lũ về nhanh quá, chẳng kịp di dời bao xi măng nào, sắt, thép cũng chìm dưới bùn non. Lũ rút, nhưng bao nhiêu đồ đạc của gia đình tôi chìm dưới bùn. Tiền vay ngân hàng chưa trả, vốn liếng bị chôn vùi. Thật sự tôi chưa dám nghĩ đến chuyện làm lại thế nào vì nghĩ cũng không ra”, chị Thắm nói. Câu chuyện của họ cũng tương tự tình cảnh của hơn 6.000 hộ dân bị lũ ở huyện Sanamxay. Tuy nhiên, họ còn may mắn khi thứ họ mất đi là nhà cửa, tài sản. Còn với nhiều người Lào, thứ họ mất còn lớn lao hơn - đó là những người thân ruột thịt. Có nhà con mất cha, có đứa trẻ mất mẹ và có những gia đình giờ chưa liên lạc được với ai. Tất cả các thành viên trong gia đình đều bặt vô âm tín. Nỗi đau của họ chưa thể nào đong đếm được.
Theo thông tin từ Chủ tịch huyện Sanamxay, ông Bounhom Phommasan trong 2 ngày qua lực lượng cứu hộ tiếp tục đưa về thêm 7 thi thể người chết đuối và vẫn còn 127 người mất tích. Tính đến chiều qua, lực lượng chức năng đã đưa được 25 hộ dân với 134 người bị mắc kẹt trong vùng lũ nặng về trung tâm huyện an toàn. Quần áo ướt sũng, mặt mày tái xanh sau 3 ngày bị cô lập trên núi, Nết (26 tuổi, dân bản Mai) cho hay: “3 ngày tôi chưa ăn cơm, 2 ngày trước không ăn gì, tới ngày thứ 3 thì nhận được đồ cứu trợ. Những ngày bị cô lập trên núi tôi thấy rất sợ hãi và có những lúc tưởng mình sẽ không thể trở về an toàn”. Ông Phommasan cho hay các bản Mai, Hỉn lap, Hat xieng chan, Sờ mong, Tha hỉn, Phu kong vẫn đang chìm trong nước, nhiều nơi nước sâu vẫn chưa thể vào tới. Nhiều người dân cho rằng 6 bản này gần như bị xóa sổ về tài sản và nhà cửa sau trận lũ.
[VIDEO] Vỡ đập thủy điện tại Lào: Chưa tính hết được quy mô thảm họa
“Chỉ cần thấy họ an toàn là mình vui”
Trong khi chính quyền đang nỗ lực tìm kiếm thi thể, người mất tích thì rất nhiều kiều bào người Việt và cả người dân Lào túc trực tại các điểm trường, ủy ban, nhà văn hóa, mang theo nước, đồ ăn, thức uống sẵn sàng đón những người mắc kẹt trở về. “Chúng tôi sợ những người mắc kẹt trở về đói, khát nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống. Hy vọng, sau lũ họ sẽ mạnh mẽ để vượt qua và kiên cường làm lại từ đầu”, chị Đỗ Thu Hà (quê Quảng Bình, tiểu thương có thâm niên buôn bán 7 năm ở chợ Sanamxay) chia sẻ. Tính trong 2 ngày 25 - 26.7, chị Hà đã mua 2 con heo, chuẩn bị 800 phần cơm để phát cho những người tránh lũ. “Chỉ mong họ khỏe, còn người là còn của. Người Lào hay người Việt, chỉ cần thấy họ an toàn là mình vui”, chị Hà nói.
Cháu nhỏ mới 3 ngày tuổi trên máy bay về bệnh viện Ảnh: Nguyễn Đình
Phóng viên Thanh Niên cũng cùng các đồng nghiệp từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar vào các ngôi làng đang chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Attapeu. Những thùng nước đóng chai do nhóm phóng viên tự bỏ tiền mua, chất đầy ắp các xe chuyên chở đến hiện trường, mọi người vừa tác nghiệp vừa làm công tác cứu trợ. Theo chân cư dân bản Khok Kong, vừa ra khỏi trung tâm huyện San Nam Xay, đã thấy khắp nơi toàn nước và bùn lầy ngập ngang thắt lưng. Địa hình này như một cái bẫy đầy nguy hiểm bởi chỉ sẩy chân lọt hố sâu, dễ bị bùn nuốt chửng. Về đến đầu bản, nhà cửa xiêu vẹo, cái bật ngược chổng cột lên trời, cái móp méo đáng sợ. Nhà nhà đều cửa đóng im ỉm, chỉ có những chú chó tự tìm về, án ngữ trong đó, đói bụng rú thảm thiết.
Dưới mặt đất, công tác cứu trợ gấp rút tiến hành, từng đoàn xe từ Việt Nam, Lào, Thái với nhu yếu phẩm nối đuôi nhau đổ về vùng rốn lũ, vào sâu trong các bản đưa tận tay người dân thực phẩm, chăn đắp giữ ấm, mùng chống muỗi, nước uống. Trên bầu trời, trực thăng quần đảo liên tục khắp làng mạc, vừa tìm người mất tích, vừa làm công tác cứu hộ, đưa cư dân đang trong tình trạng nguy kịch về vùng an toàn. Gặp phi công Khamvath thuộc Không quân Lào vừa hạ cánh xuống bản Khok Kong, anh cho biết được đào tạo phi công từ Học viện Phòng không - Không quân Việt Nam với hơn 30 năm tuổi nghề. Nói về công tác cứu hộ, anh Khamvath kể: “Hôm nay hai anh em tôi bay được 5 chuyến rồi, vui nhất là tìm được người mẹ có con nhỏ mới 3 ngày tuổi đưa về bệnh viện tỉnh để chăm sóc cháu cho an toàn”.
Campuchia di dời hàng ngàn dân
Nước lũ từ Lào đang tiếp tục tràn về hạ lưu sông Xê Kông tại Campuchia khiến hàng ngàn người dân ở tỉnh Stung Treng buộc phải di dời. “Mực nước tiếp tục dâng lên, vì thế nhiều người nữa sẽ phải sơ tán”, AFP dẫn lời người phát ngôn chính quyền tỉnh, ông Men Kong cho biết.
Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia hôm qua đã ra thông báo khẩn về tình trạng lũ lụt do ảnh hưởng của sự cố vỡ đập ở Attapeu. Theo tờ Phnom Penh Post, khoảng 1.200 hộ gia đình đã được sơ tán khỏi bốn xã thuộc huyện Siem Pang, tỉnh Stung Treng. Dự báo, khoảng 5.000 gia đình trong toàn huyện Siem Pang bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập ở Lào khi mà dòng nước từ thượng nguồn Xê Kông vẫn đang đổ về vùng hạ lưu Stung Treng.
Phúc Duy
Việt Nam hỗ trợ Lào 200.000 USD khắc phục hậu quả

Chiều 26.7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao cho Đại sứ Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane số tiền 200.000 USD của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện. Cũng trong chiều qua, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã đến Đại sứ quán Lào tại Việt Nam trao số tiền 500 triệu đồng T.Ư Đoàn hỗ trợ nhân dân Lào (ảnh), trong đó cán bộ, công nhân viên của Báo Thanh Niên đã góp một ngày lương. Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước mắt T.Ư Đoàn gửi tình cảm thông qua đại sứ quán, nhờ chuyển đến Đoàn thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào, chia sẻ bớt khó khăn vất vả mà bà con đang gặp phải. Sau này ổn định lại tình hình, tái thiết thì tùy những công việc cụ thể, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ có những sự hỗ trợ tiếp theo.
Hiện Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào và Campuchia tiếp tục theo dõi sát diễn biến vụ việc, chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các gia đình người Việt gặp khó khăn tại địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và cơ quan chức năng trong nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Lào, đến hôm qua, chưa phát hiện trường hợp người Việt mất tích. Trong khi đó, 15 hộ gia đình người Việt sống trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ đã được sơ tán đến khu vực an toàn, 26 công nhân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã được đưa về trụ sở của công ty tại Attapeu để sớm trở về nước.
Vũ Hân - Vũ Thơ
(từ Attapeu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.