Niềm vui vỡ òa
Ngày 2.11, tại buổi gặp gỡ báo chí ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, chia sẻ cảm xúc hồi hộp chờ đợi thông tin từ UNESCO: "Từ 16 giờ ngày 31.10, website của UNESCO công bố danh sách 55 thành phố được gia nhập "mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu". Nhưng phải đến hơn 23 giờ khuya, khi nhận được email xác nhận chính thức, tôi mới dám tin đó là sự thật trong niềm hạnh phúc vỡ òa, cả đêm đó tôi và các lãnh đạo TP.Đà Lạt gần như không ngủ". Vui hơn nữa, Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam. Đây là niềm vinh dự cho người dân Đà Lạt và của tỉnh Lâm Đồng.
Theo ông Tú, để Đà Lạt được UNESCO công nhận gia nhập "mạng lưới thành phố sáng tạo" là nhờ sự lựa chọn, hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL. Năm 2022, Đà Lạt được Bộ VH-TT-DL lựa chọn là một trong 8 thành phố của Việt Nam gồm: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Hải Phòng, TP.HCM tham gia phối hợp thực hiện việc xây dựng đề án "Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO".
Quá trình xây dựng hồ sơ xin gia nhập
Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt thông tin thêm, được sự thống nhất của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 5.2022, đội ngũ các chuyên gia tư vấn của đề án thực hiện các đợt nghiên cứu đánh giá tiền khả thi đối với TP.Đà Lạt và nhận định âm nhạc là lĩnh vực mà ĐàLạt có lịch sử phát triển, có thành tựu và tiềm năng.
Được sự hỗ trợ của Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT-DL), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, TP.Đà Lạt xây dựng hồ sơ "Đà Lạt - Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc" đề cử tham gia "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO". Tiếp đó, tháng 6.2023, TP.Đà Lạt tổ chức Hội thảo tham vấn hồ sơ tham gia ứng cử với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các đơn vị giáo dục; các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ, các đơn vị chuyên tổ chức các chương trình âm nhạc như: Phố Bên Đồi, Lululola, Mây Lang Thang… Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như Hoa Sen Concert, Coffee Là Việt, Thung lũng tình yêu (TTC Hospitality)… Đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn quốc tế đến từ các thành phố sáng tạo khác như Daegu (Hàn Quốc), Belfast (Bắc Ai-Len)… Ngày 30.6, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt ký thư đề nghị UNESCO kèm hồ sơ đăng ký Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
Bà Loan cho biết thêm, trong tháng 8.2023, bà có chuyến công tác tại TP.Edinburgh (Scotland), một thành phố Văn học UNESCO để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Đà Lạt nhằm kết nối và tạo dựng các mối quan hệ hợp tác, liên kết với ngành văn hóa nghệ thuật của Scotland và cộng đồng nghệ thuật quốc tế nói chung. Lãnh đạo TP.Đà Lạt có buổi gặp mặt, kêu gọi sự ủng hộ hồ sơ ứng cử của TP.Đà Lạt đối với đại diện TP.Glasgow (thành phố sáng tạo lĩnh vực Âm nhạc UNECO năm 2009) và TP.Dundee (thành phố sáng tạo lĩnh vực Thiết kế UNESCO năm 2008).
Ngày 13.10.2023, nhân đoàn chuyên gia Hội đồng Anh đến thăm Đà Lạt, thành phố tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Phát triển thành phố sáng tạo tại Scotland và Việt Nam". Dịp này, TP.Đà Lạt thể hiện mong muốn Hội đồng Anh Scotland, các tổ chức quốc tế ủng hộ Đà Lạt gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO.
Năm đặc biệt với TP.Đà Lạt
Ông Đặng Quang Tú cho rằng ngày 31.10.2023, Đà Lạt được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc là sự kiện đặc biệt trong năm kỷ niệm 130 Đà Lạt năm hình thành và phát triển (1893-2023). Việc được gia nhập đã khó, nay phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu càng khó hơn. Do đó, Đà Lạt phải triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO nhằm đạt được các mục tiêu của mạng lưới cấp địa phương và quốc tế.
Với cấp địa phương phải thực hiện 3 sáng kiến như: Di sản âm nhạc của tương lai: nghiên cứu, lưu trữ có hệ thống kho tàng kiến thức và thực hành âm nhạc truyền thống của các nhóm dân tộc Đà Lạt với sự nghiên cứu của cộng đồng. Nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho cộng đồng về bối cảnh phát triển đương đại, kể chuyện, khả năng diễn xướng và thử nghiệm sáng tạo từ chất liệu âm nhạc truyền thống giới trẻ. Giáo dục âm nhạc vì cộng đồng được thực hiện xuyên suốt nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo âm nhạc của Đà Lạt; hợp tác với các nhạc viện, học viện âm nhạc… thực hiện các giải pháp giáo dục đào tạo âm nhạc; đồng thời thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật (âm nhạc) giữa các nhóm xã hội tại thành phố. Củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo như xây dựng bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện làm cơ sở dữ liệu thúc đẩy hoạt động thông tin, quảng bá, đầu tư, kết nối cho các bên liên quan trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Xây dựng Trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền một không gian sáng tạo hiện có thành một tổ hợp sáng tạo trọng điểm của thành phố.
Với mạng lưới ở cấp quốc tế sẽ tổ chức các chương trình: Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á hằng năm diễn ra trong 4 ngày. Thanh âm của đại ngàn, là dự án hợp tác giữa Đà Lạt và các thành phố âm nhạc trong mạng lưới UCCN đặc biệt là các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thực hiện Festival âm nhạc quốc tế LangBiang, tổ chức hai năm một lần, kéo dài 1-2 tuần tại các không gian trong thành phố với sự hợp tác của chính quyền địa phương, tư nhân, nghệ sĩ quốc gia, quốc tế và cộng đồng.
Dự kiến trong lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (đêm 30.12.2023), ĐàLạt sẽ chính thức đón nhận danh hiệu "Thành phố sáng tạo của UNESCO". Ngoài ra, các thành phố sáng tạo mới sẽ được mời tham gia Hội nghị thường niên UCCN 2024 với chủ đề "Đưa tuổi trẻ vào cuộc trong thập kỷ tới", diễn ra từ 1-5.7.2024 tại Braga (Bồ Đào Nha).
Bình luận (0)