Đà Lạt và chuyện... lũ lụt trong lịch sử

04/09/2022 07:00 GMT+7

Lũ lụt ở Đà Lạt - chuyện tưởng mới mà hóa ra là bài học rất cũ. Những trận lũ kinh hoàng gây cảnh ngập úng, tan hoang thậm chí mất mát nhân mạng đã từng xảy ra trong lịch sử, thời kỳ xây dựng Đà Lạt.

Dòng Cam Ly từng rất hung hãn

Dòng Cam Ly chảy qua trung tâm thành phố, hai bên dòng chảy là những bản làng người Lạch bản địa. Trong cái nhìn đầy lý tính của những nhà quy hoạch đô thị người Pháp, dòng chảy đó sẽ làm nên cảnh quan định vị sinh thái, cấu trúc của một khu trung tâm xanh, hài hòa, có đồi núi, mặt nước, những rừng cây xanh và những cụm dân cư phân hài hòa theo vùng chức năng. Ý tưởng một hồ nhân tạo được ra đời. Năm 1919, Công sứ Cunhac cho đắp một đập nước ngăn dòng chảy Cam Ly ngoài mục đích tạo con đường lưu thông qua suối và cảnh quan sinh thái, thì còn trình bày viễn kiến về một hồ chứa nước sử dụng cho đô thị tương lai khi dân số tăng lên.

Đập nước nông trại O’Neill bị xé vỡ sau trận lũ ngày 4.5.1932

TTLTQG II - NVN sưu tập

Năm 1923, một đập nước nữa được xây dựng, ngăn tạo thành hai hồ lớn và nhỏ để điều tiết lượng nước cho hạ nguồn. Nhưng cũng vào năm này, một cơn lũ lớn đã làm vỡ đập gây hại cho cư dân vùng hạ nguồn Cam Ly.

Ven bờ hạ nguồn dòng Cam Ly vào thập niên 1920 là khu cư trú của người Việt, bao gồm người bản địa và người Kinh nhập cư làm phụ tá, làm phu ở các công trình, dự án. Lịch sử của cộng đồng bản địa này được O’Neill, một nhà quy hoạch thời kỳ đầu của Đà Lạt đã khẳng định vào năm 1919, thừa nhận rằng “một thành phố cho dân bản địa là điều sống còn trong việc cung cấp nơi ăn chốn ở cho nguồn nhân lực, nhân viên bản địa, và gia đình họ”. Theo đó, “một thị trấn của người Việt” được hình thành dọc theo sông Cam Ly, ngay hạ nguồn đập chắn của hồ nước (theo Eric T.Jennings, trong cuốn Đỉnh cao Đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2022).

Việc điều tiết lưu lượng hồ nước vào thuở các bản quy hoạch còn nhiều tranh cãi, các công trình đập nước, thoát nước ban đầu còn chưa tính toán hết rủi ro trong các tình thế vũ lượng và thủy lượng dòng chảy cực đoan đã gián tiếp gây ra một đại họa.

Ngày 4.5.1932, sau một cơn mưa dài nặng hạt, nước từ thượng nguồn theo dòng Cam Ly đổ về khu trung tâm cộng với lượng nước từ những khu đồi dốc, đường sá và công trình đã không kịp thấm vào lòng đất cũng xé dòng đổ xuống hai hồ nước nhân tạo. Hai con đập sơ khai đã không thể ngăn nổi áp lực của một cơn lũ dữ dội, thốc tháo. Hai đập nước đã vỡ tung và cuốn phăng tất cả những mảnh vườn hoa màu, nhà cửa, cầu cống trên con đường mà nó quét qua. Hạ nguồn Cam Ly, những khu xóm người Việt cư ngụ bình yên bên những mảnh vườn xanh đã bị nhấn chìm bởi dòng nước cuồn cuộn hung hãn. 17 người thiệt mạng vào ngày hôm đó.

Sự kiện trên được P.Munier ghi chép tường tận và công bố trong hồi ức Đà Lạt đăng trên tờ Indochine (số 28, ngày 13.3.1941): “Năm 1932, hồ nhân tạo ở Đà Lạt, dưới áp lực của một trận mưa như thác của cơn bão, đã bị vỡ đập chắn. Chỉ trong vài giây, một khối nước khổng lồ đổ xuống thung lũng Cam Ly nhỏ hẹp, cuốn băng cây cối, làng mạc”.

Cảnh Đà Lạt trong trận lụt ngày 4.5.1932

Tư liệu

Một chương buồn của nông trại O’neill

Hạ nguồn của suối Cam Ly, sau những ngôi làng người Việt sinh sống và chịu thiệt hại nặng nề của cơn lũ dữ, còn có một nông trại lớn nhất của thành phố vào thời điểm đó bị tàn phá - đó là trang trại O’Neill.

Trang trại O’Neill của ông bà Jean O’Neill xây dựng theo một mô hình mẫu mực và quy mô lớn. Tại đây, có 20.000 gốc cà phê arabica chất lượng hàng đầu vùng cao nguyên Lâm Viên lúc đó; có khu vực vườn rau, chanh thơm, bạch đàn và nhai bách dành cho khách tham quan (một mô hình du lịch tham quan nhà vườn “bỏ túi” có từ rất sớm!); và có nuôi bò để lấy sữa cung cấp bơ, phô mai, sữa cho thành phố. Ngoài ra, ông Ancel, cha của bà O’Neill - người trực tiếp xây dựng nông trại - còn “cơ khí hóa” cơ ngơi này theo mô hình khép kín: xử lý, khử trùng, làm lạnh, đóng chai, cọ rửa... bằng máy móc. Ông chặn dòng Cam Ly một đập nước cao 14 m, đáy rộng 54,65 m làm trạm phát điện có hai tua bin công suất 155 sức ngựa và 260 sức ngựa. Trạm thủy điện cung cấp nguồn điện sáng cho nông trại, bơm nước lên cao để tưới tiêu và vận hành một số máy móc sản xuất.

Nhưng cơn lũ ngày 4.5.1932 đã làm vỡ đập nước nông trại O’Neill, tạo ra một cảnh hoang tàn. P.Munier thuật lại trong bài báo có tựa Đà Lạt (đã dẫn): “Tới đập nước của trang trại O’Neill, những khúc cây to lớn do lũ cuốn đi như những chiếc máy phá thành, khoan thủng chiếc đập. Một lúc sau cả chiếc đập bị cuốn băng. Cả nông trại ngập trong sóng nước. Sau khi toàn bộ đập bị cuốn đi, nhà máy điện bị bao phủ bởi một lớp bùn lầy cao hơn hai mét, còn nguyên cả những thân cây ngổn ngang... Nhưng chẳng bức tường nào còn nguyên vẹn. Chiếc đập, công trình đáng kể nhất và không thể thiếu của hoạt động nông trại sẽ không bao giờ được tái dựng nữa”.

Trận lũ lụt năm 1932 là một điển cứu (case study), một sự cố có tính thức tỉnh với các nhà quy hoạch và kiến thiết đô thị Đà Lạt sau đó. Lịch sử về sau trong giai đoạn thành phố xây dựng và phát triển đã không còn ghi nhận những đợt lũ lụt kinh hoàng như vậy nữa. Việc điều tiết dòng nước của chuỗi hồ, sự tính toán mật độ cây xanh và đất giữ nước lưu vực dòng chảy từ thượng nguồn đến hạ nguồn được tính toán. Các cuộc đấu tranh để tránh sự xâm chiếm của các dự án bê tông hóa, xây dựng lấn chiếm lưu vực hồ Dankia Suối Vàng cho đến những điểm dòng nước đi qua từ hồ Than Thở xuống tới Cam Ly diễn ra đầu thập niên 1970 của những công chức có tư duy “duy sinh thái” vừa bảo vệ sự trong sạch của nguồn nước cho cư dân sử dụng, tưới tiêu lại vừa đảm bảo những “không gian cho nước”, tránh dẫn đến các cơn lũ lớn (tham khảo thêm: Nguồn nước sạch cho Đà Lạt, trong cuốn Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Trẻ, 2021).

Thật ra tình trạng ngập nước mỗi khi có mưa lớn ở khu hạ nguồn Cam Ly cũng đã liên tục xảy ra trong thập niên 1960 - 1975, được ghi nhận qua hồi ức những cư dân lâu năm nhưng chỉ là những đợt ngập nhanh và cục bộ do một phần là nguồn rác thải chưa được xử lý tốt, không phải là những phép tính nhiều sai số trong quy hoạch và phát triển ở mức độ toàn diện có thể dẫn đến hệ lụy lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.