Đà Nẵng báo động sốt xuất huyết

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
22/07/2022 10:08 GMT+7

Địa bàn miền Trung vừa ghi nhận thêm TP. Đà Nẵng vào “danh sách” địa phương báo động bởi dịch sốt xuất huyết (SXH). Biểu đồ phân bố số ca mắc SXH theo tháng trong năm 2022 so với đường cong chuẩn 5 năm gần nhất cho thấy thực trạng rất đáng lo tại đây…

Số ca mắc tăng hơn 23 lần

Ngày 21.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết hiện đã ghi nhận tổng cộng trên 3.300 ca SXH Dengue, tăng 23,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có gần 1.300 ca mắc là đối tượng trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. 5/7 địa phương là các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê và H.Hòa Vang có số ca mắc SXH/100.000 dân năm 2022 cao hơn trung bình 5 năm 2016 - 2020.

Người dân và cán bộ P.Nại Hiên Đông (TP.Đà Nẵng) ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy

HOÀNG SƠN

Theo CDC Đà Nẵng, năm nay số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng bắt đầu từ tuần 19 và đã vượt ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2016-2020) với tỉ lệ gần gấp đôi. Số lượng ca cao nhất đến hiện tại là ở tuần 26 với 330 ca. Toàn TP đang có 345 ổ dịch nhỏ, trong đó địa bàn Q.Liên Chiểu có số ổ dịch nhỏ cao nhất (120 ổ), cũng là nơi có tỉ lệ mắc cao nhất TP (gấp 2,9 lần). Trong tháng 6, TP.Đà Nẵng ghi nhận 158 ổ dịch và 1.380 ca SXH. Mới đây, đoàn giám sát của Bộ Y tế đã có buổi giám sát thực tế tại P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu), nơi đang có số ca mắc SXH trong top cao nhất TP. Tại đây, đoàn ghi nhận chỉ số muỗi trưởng thành rất cao với mức 1,4 con/nhà. Trong khi đó, theo quy định, chỉ cần 0,5 con/nhà đã thuộc mức cao.

Thời gian qua, ngành y tế TP triển khai nhiều hoạt động (giám sát xử lý, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng…), nhưng theo CDC Đà Nẵng, số ca mắc SXH vẫn tăng cao kéo theo số bệnh nhân điều trị nội trú tăng. Trong khi đó, rất nhiều người dân tại TP.Đà Nẵng đã mắc Covid-19 và đang phải đối mặt với tình trạng hậu Covid-19. Với việc cơ thể chưa thật sự khỏe hẳn, nếu mắc thêm SXH thì tình trạng bệnh dễ tiến triển nặng hơn.

Điều đáng mừng là trong 2 năm 2021 và 2022, tại TP.Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Tỉ lệ số ca mắc SXH nặng chỉ chiếm tỉ lệ rất ít, với 0,06% trong tổng số ca mắc SXH 6 tháng đầu năm 2022.

Mở chiến dịch vệ sinh môi trường

Trước thực trạng SXH có xu hương gia tăng, từ tháng 3 - 6.2022, Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã ban hành 6 văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, 4 văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện và tham mưu UBND TP ban hành 1 công văn về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Các quận, huyện đã tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH. Nhiều địa phương cũng gầy dựng “phong trào” tìm diệt lăng quăng tại các điểm, bãi tập kết lốp xe, đồ phế thải, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nhà trọ/phòng trọ…

Đáng chú ý, công tác truyền thông năm nay có điểm mới là việc kết nối nhân viên y tế địa phương vào các nhóm Zalo của tổ dân phố, thôn. Từ đó, tiếp nhận thông tin ca mắc, ổ dịch SXH trên địa bàn; triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ ứng dụng công nghệ mà hằng ngày các nội dung truyền thông đã được triển khai ngắn gọn, kịp thời trên nhóm Zalo của tổ dân phố, thôn như “Mỗi gia đình dành 5 - 10 phút mỗi ngày để tìm kiếm, loại trừ các ổ chứa lăng quăng, bọ gậy trong nhà và xung quanh nhà”, “Không có lăng quăng, bọ gậy, không có bệnh SXH”.

Dù vậy, tình hình dịch SXH tại TP.Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp do số ca mắc tiếp tục tăng. Trước thực trạng này, ngành y tế đã tham mưu và UBND TP.Đà Nẵng đã mở chiến dịch diệt lăng quăng và truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, Zika. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vào ngày chủ nhật (17.7) vừa qua, tại các tổ dân phố, khu dân cư trên toàn địa bàn TP.Đà Nẵng, người dân và các đoàn thể liên quan đã huy động để đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường. Nhiều khu vực ẩm thấp, bụi rậm… đã được phát quang, dọn dẹp sạch sẽ để ngăn ngừa sự phát triển của muỗi.

Theo UBND TP, chiến dịch nhằm duy trì 100% hộ gia đình trên địa bàn khu vực có nguy cơ cao được kiểm tra và diệt lăng quăng mỗi tuần 1 lần. Hộ gia đình tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 2 tuần 1 lần. Các hộ gia đình tại các khu vực còn lại được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tháng/lần. Các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin thành phố, quận, huyện, xã, phường đồng loạt tuyên truyền phòng, chống dịch SXH trước, trong và sau chiến dịch.

Chăm sóc thế nào khi trẻ bị sốt?

Theo CDC Đà Nẵng, ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong điều trị SXH, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ SXH. Cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách, hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần. Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ nô đùa nhiều và nên tránh dùng quần áo quá dày, mặc nhiều áo quần hay ủ kín. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15 mg/kg cân nặng. Chỉ được cho trẻ uống lặp lại 4-6 giờ/lần nếu sốt. Cần lau mát bằng nước ấm khi trẻ sốt để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.