Đến sáng 5.9, Đà Nẵng bước sang ngày thứ 8 không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tính từ ngày 24.7 đến nay, số người được lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn Đà Nẵng là hơn 253.000 người.
Chưa hết nguy cơ dịch bệnh
Nhận định dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, UBND TP.Đà Nẵng xác định sẽ còn phòng chống dịch trong thời gian dài, do vậy cần quán triệt thực hiện mục tiêu kép. “TP vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không để dịch bệnh lây lan nhưng cũng không để đứt gãy các hoạt động kinh tế trên địa bàn. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết.
3 ngày liên tiếp cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng
|
Từ hôm qua 5.9, Đà Nẵng đã áp dụng “trạng thái có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh” (thang thứ 2 trên 4 thang trạng thái) nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
UBND TP.Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đã có cuộc làm việc, thống nhất phương án phòng chống dịch trong giai đoạn mới; đồng thời tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh hoạt động trở lại với điều kiện thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch…
“Thoát” cảnh ăn sáng mì tôm
Ghi nhận của PV Thanh Niên ngày đầu TP.Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, các hàng quán bán thức ăn, nước uống cho khách mang về tấp nập người đến mua. Buổi sáng tại các tuyến phố chuyên bán thức ăn thuộc khu vực Q.Hải Châu như Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Du, Hùng Vương… không còn cảnh đìu hiu như những ngày cách ly xã hội, người dân tấp nập đến mua thức ăn sáng. Nhiều người hớn hở đã “thoát” được cảnh ăn sáng mì tôm, thức ăn khô tại nhà.
“Dù bán chỉ được 20 - 30% lượng xôi ngày bình thường, nhưng được mưu sinh trở lại là tôi mừng rồi”, bà Nguyễn Thị Hữu (50 tuổi, trú Q.Hải Châu) cười nói bên xe xôi của mình. Đối với những xe ôm công nghệ, ngay trong ngày đầu Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, đã “cháy” đơn giao hàng là thức ăn, đồ uống…
Sau khi đạp xe tập thể dục dọc theo tuyến đường biển Đà Nẵng, ông Phạm Tấn (61 tuổi, trú P.Vĩnh Trung, Q.Thanh Khê) ghé vào quán phở trên đường Trần Quốc Toản để mua phở về nhà ăn cùng vợ. “Được đạp xe thể dục quanh TP, được thỏa thích ngắm biển, được ăn những món ăn mình thích…, cảm giác của tôi sung sướng vô cùng. Tôi tin Đà Nẵng sẽ sớm phục hồi du lịch, chứ tội nghiệp các cơ sở dịch vụ quá”, ông Tấn vui mừng chia sẻ.
Xét nghiệm cho người đến TP.HCM
Ngay thời gian đầu nới lỏng giãn cách, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đã tăng cường tiến hành xét nghiệm diện rộng theo hộ gia đình, dự kiến đợt này sẽ kéo dài đến 8.9, với hơn 71.000 trường hợp được lấy mẫu gộp xét nghiệm.
Liên quan đến công tác phối hợp đưa người dân có nhu cầu rời khỏi Đà Nẵng, chiều 5.9, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, cho biết số người có nhu cầu rời Đà Nẵng dự kiến khoảng 26.000 người. Tuy nhiên, qua ghi nhận mỗi chuyến đưa đón công dân của các tỉnh, thành thì số thực tế thấp hơn số lượng đăng ký, nên vẫn chưa khẳng định được con số cụ thể.
“Riêng TP.HCM, qua làm việc với Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ cho mở chuyến bay để đưa khoảng 800 hành khách về. Theo lịch dự kiến, hôm nay 6.9, ngành y tế Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho các công dân cũng như người có nhu cầu đến TP.HCM. Sau khi có kết quả xét nghiệm, TP.HCM sẽ tổ chức đón công dân về với lịch trình được thông báo sau”, ông An nói.
Ông An cũng chia sẻ thêm, việc người dân đã được rời khỏi Đà Nẵng, nhưng việc cách ly là do quyết định của các tỉnh, nơi điểm đến. “Có tỉnh về cách ly 7 ngày, ví dụ như Quảng Nam cách ly 7 ngày, xét nghiệm lần 2 âm tính thì cho về gia đình cách ly thêm 7 ngày. Các tỉnh khác cũng có chủ trương cách ly khác nhau tùy theo điều kiện, nên sở không đưa ra thông báo cụ thể được”, ông An nói thêm.
Bình luận (0)