Dự án treo 25 năm
Dự án Làng Đại học (ĐH) Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô 300 ha thuộc địa bàn P.Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) và P.Điện Ngọc (TX.Điện Bàn, Quảng Nam), với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay, đã sau 25 năm kể từ ngày được quy hoạch, đến nay dự án vẫn bị “treo”.
Sau 25 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án Làng Đại học Đà Nẵng vẫn trong tình trạng ngổn ngang |
HUY ĐẠT |
Ngày 25.3, có mặt tại dự án "treo" Làng ĐH Đà Nẵng, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều vị trí chưa được xây dựng nhiều năm trở nên hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Trong khuôn viên dự án, những ngôi nhà tạm đã cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng làm cảnh quan nhếch nhác. Nhiều khu vực đất rộng thênh thang bị bỏ hoang phí thời gian dài, một số người dân đã cải tạo tận dụng để trồng rau kiếm thêm thu nhập.
Dự án quy hoạch "treo" quá lâu khiến người dân mỏi mòn chờ di dời |
HUY ĐẠT |
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Xíu (62 tuổi, trú Q.Ngũ Hành Sơn) cho biết cũng như những người dân khác trong khu vực, gia đình bà Xíu nghe tin giải tỏa thực hiện dự án Làng ĐH Đà Nẵng đã hơn 20 năm rồi mà chưa thấy cơ quan, đơn vị nào thực hiện.
“Gia đình tôi để đất trống nhiều năm thì hoang phí quá nên đã cải tạo lại để trồng rau, củ. Cực nhất là ở đây vào mùa mưa, không có hệ thống thoát nước nên bị ngập cục bộ, trồng rau củ cũng gặp nhiều khó khăn. Ngày nào cũng mong giải tỏa nhanh để chúng tôi ổn định cuộc sống, sống cảnh hoang vắng, nhếch nhác, khổ sở lâu lắm rồi”, bà Xíu tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Thế Thạnh (trú Q.Ngũ Hành Sơn) cũng ngán ngẩm vì xung quanh đất hoang vắng, nhà cửa xuống cấp trầm trọng nhưng nhiều năm qua không thể xây dựng, sửa chữa vì liên quan đến quy hoạch dự án.
“Ngôi nhà cấp 4 tạm bợ, đã xuống cấp, vào mùa mưa cả nhà phải đi ở tránh nơi khác chứ không được sửa chữa. Năm ngoái nhà tôi cũng được kiểm định rồi, bây giờ chỉ chờ bố trí tái định cư thôi, tôi rất mong được bố trí đất sớm để dựng lại nhà cửa”, ông Thạnh nói.
Người dân trong diện đã được kiểm định nhà ngày ngày chờ thông tin tái định cư để ổn định cuộc sống |
HUY ĐẠT |
Thời gian dự án "treo" quá lâu khiến người dân địa phương lâm cảnh "đi không được, ở không xong" |
HUY ĐẠT |
Tại dự án Làng ĐH Đà Nẵng, các vị trí chưa được xây dựng nhiều năm qua trở nên hoang hóa, cỏ mọc um tùm |
HUY ĐẠT |
Dùng kinh phí của địa phương xây dựng khu tái định cư
Hiện nay, theo quan sát của PV, khu vực dự án (địa phận TP.Đà Nẵng) đã có một số công trình được xây dựng và đã đưa vào hoạt động.
Theo ông Đoàn Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý cơ sở vật chất và đầu tư (Đại học Đà Nẵng), có 3 đơn vị đã sinh hoạt trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng là Đại học CNTT-TT Việt Hàn, Trung tâm giáo dục Quốc phòng, Khoa Y dược, với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập.
Đến hiện tại, dự án ở địa phận TP.Đà Nẵng đã có một số đơn vị đã xây dựng cơ sở vật chất đưa vào hoạt động |
HUY ĐẠT |
Sau thời gian dài, khi có mặt bằng "sạch", ĐH Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục tại dự án |
HUY ĐẠT |
Nhiều hạng mục tại dự án vẫn trong tình trạng "án binh bất động" |
HUY ĐẠT |
Theo UBND TP.Đà Nẵng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án Làng ĐH Đà Nẵng khoảng 110 ha. Trong đó, mặt bằng "sạch" và bàn giao cho ĐH Đà Nẵng từ năm 2017 là 38,6 ha. Diện tích còn lại là 71,4 ha, đã giải phóng được khoảng 40 ha.
Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, chỉ trong 2 năm, thành phố đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến dự án bằng thời gian của 20 năm qua.
Theo đó, TP.Đà Nẵng thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư.
Sau nhiều lần cơ quan chức năng liên quan làm việc nhằm tháo gỡ vướng mắc tại dự án, nhiều hạng mục tại đây bắt đầu, khởi động thi công trở lại |
HUY ĐẠT |
Tại buổi làm việc với TP.Đà Nẵng gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm thực hiện dự án. Ông Sơn nhấn mạnh: "Không thể chậm trễ hơn nữa với dự án Làng Đại học Đà Nẵng".
Bình luận (0)