Đà Nẵng: Thăm hỏi, chúc tết gia đình các nhân chứng Hoàng Sa

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
10/01/2023 17:49 GMT+7

Ngày 10.1, UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) tổ chức thăm hỏi, chúc tết và tặng quà gia đình các nhân chứng Hoàng Sa - những người dân từng sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước khi bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974.

Đây là hoạt động thường niên của UBND H.Hoàng Sa, nhân dịp 49 năm ngày Trung Quốc tấn công, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (19.1.1974 - 19.1.2023).

Trong 2 ngày 10 và 11.1, UBND H.Hoàng Sa đến thăm 17 gia đình nhân chứng Hoàng Sa tại TP.Đà Nẵng và 6 gia đình tại Quảng Nam.

Lãnh đạo UBND H.Hoàng Sa thăm ông Trần Văn Sơn

NGUYỄN TÚ

Trong 11 nhân chứng Hoàng Sa còn sống, ông Trần Văn Sơn (76 tuổi, ngụ K39/18 Võ Văn Kiệt, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) vẫn minh mẫn. Ông Sơn tham gia lính địa phương thuộc tiểu khu Quảng Nam tại Hoàng Sa vào tháng 1.1973.

Chiến hạm Trần Khánh Dư đưa trung đội của ông rời cảng Đà Nẵng ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ quần đảo đến cuối tháng 4 năm 1973.

“Mong ước của tôi là lịch sử liên quan đến Hoàng Sa được đưa vào trường học nhiều hơn nữa để thế hệ trẻ hiểu Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam mà ông cha bao thế hệ đã hy sinh xương máu để gìn giữ”, ông Trần Văn Sơn chia sẻ.

Ở gần nhà ông Sơn là ông Nguyễn Văn Cúc (71 tuổi, ngụ 85 Trần Thanh Mại, Q.Sơn Trà). Ông là một trong số ít tù binh còn sống sau khi bị Trung Quốc bắt giữ năm 1974 khi tấn công vào Hoàng Sa.

UBND H.Hoàng Sa thăm ông Nguyễn Văn Cúc

nguyễn tú

Ông Nguyễn Văn Cúc ra Hoàng Sa 3 lần để khảo sát, sửa chữa và xây dựng quần đảo vào tháng 1, tháng 5 và tháng 12.1973.

Nhiệm vụ ông Cúc và đồng nghiệp là thi công các hạng mục như bể chứa nước, lấy mẫu đất, khảo sát thực địa xây dựng sân bay.

Khi vừa kết thúc đợt 3 ở đảo, ông Cúc và mọi người bị bắt đưa về tạm giam ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó mới trao trả về Việt Nam.

Nhân chứng Hoàng Sa Nguyễn Văn Cúc từng bị Trung Quốc bắt giữ vào tháng 1.1974 khi tấn công vào Hoàng Sa

nguyễn tú

Ông Cúc (bên trái) trong thời gian tại quần đảo Hoàng Sa

chụp lại tư liệu

Ghé thắp hương cho ông Trần Thanh Kim đã mất, lãnh đạo UBND H.Hoàng Sa thăm hỏi gia đình. Ông Kim ra đảo Hoàng Sa lao động tháng 9.1950. “Ngày nào người dân Việt Nam còn nhớ, còn nhắc về biển đảo và Hoàng Sa, thì quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc chưa bao giờ bị mất và luôn giữ vững hy vọng một ngày Hoàng Sa trở về với quê hương”, ông Trần Văn Lĩnh, con ông Trần Thanh Kim bày tỏ.

Đại diện UBND H.Hoàng Sa đến thăm các gia đình nhân chứng, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện, kiêm Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ, những nhân chứng Hoàng Sa cùng gia đình thời gian qua cống hiến rất nhiều tư liệu, kỷ vật, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

“Mỗi năm đến ngày 19.1, huyện đảo Hoàng Sa luôn đi thăm hỏi các nhân chứng còn sống và đến nhà thắp hương tri ân những người đã mất. Đây như một lời khẳng định thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh của những thế hệ trước trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Và nhắc nhở thế hệ trẻ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc”, ông Võ Ngọc Đồng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.