Đà Nẵng thu hút đầu tư: Đột phá thể thao

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
23/07/2019 08:00 GMT+7

Bên cạnh nguồn lực xã hội hóa dồi dào từ các tập đoàn lớn tài trợ, thể thao Đà Nẵng đang từng bước chuyển dịch sang xu hướng mở để bứt phá.

“Hạt giống” quần vợt

Quần vợt từng được TP.Đà Nẵng quan tâm đầu tư và sớm tạo dấu ấn, như chính sách thu hút nhân tài, tuyển chọn vận động viên (VĐV) xuất sắc 10 năm trước. Hiệu quả, tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010, có 6 VĐV Đà Nẵng giành đến 13 huy chương. Nhưng sau đó, thế hệ VĐV xuất sắc này… hết hợp đồng và TP không còn đầu tư VĐV trẻ kế thừa, thiếu chiến lược, chiến thuật huấn luyện nên hụt hơi dần.
Từ đầu năm 2018, Liên đoàn quần vợt Đà Nẵng (DTF) đặt mục tiêu từng bước trở thành trung tâm mạnh cả nước, với các giải pháp cụ thể. Trước mắt, DTF kiện toàn, bầu bổ sung Ban chấp hành nhiệm kỳ 4 tăng lên 25 người, trong đó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung giữ chức danh Chủ tịch DTF.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP chia sẻ, bên cạnh lãnh đạo TP quan tâm, các nhà tài trợ uy tín cũng hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư cho quần vợt để xây dựng thế mạnh thể thao cho Đà Nẵng. TP sẽ đầu tư sân bãi, trung tâm huấn luyện cho quận, huyện theo phân bổ ngân sách hằng năm, xã hội hóa đào tạo tài năng trẻ theo hệ thống. Chủ tịch UBND TP giao nhiệm vụ cho DTF tổ chức hệ thống giải đấu các cấp, thi đấu chuyên nghiệp, đào tạo VĐV trẻ, hướng đến tổ chức giải quốc tế, tạo tiền đề phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo, thi đấu tầm cỡ, thu hút VĐV trong và ngoài nước đầu quân.
Đặc biệt, theo Sun Group, tập đoàn đã ký kết hợp đồng tài trợ 70 tỉ đồng cho quần vợt Đà Nẵng trong 7 năm; riêng 2 năm đầu (từ ngày 1.6.2018) Sun Group chi 15 tỉ đồng để DTF đầu tư cơ sở vật chất, tạo hạ tầng phát triển lên hướng chuyên nghiệp. Đến tháng 10.2018, Đà Nẵng thành lập Trung tâm đào tạo quần vợt (DTTC) với mặt sân tốt nhất VN, chiêu mộ HLV, chuyên gia có kinh nghiệm giỏi trên thế giới, trong đó Giám đốc kỹ thuật Dimitri Penchev (cựu VĐV từng 3 lần nhận giải thưởng HLV xuất sắc nhất năm tại Canada) trực tiếp huấn luyện.
DTTC nhờ xã hội hóa (như SHB Đà Nẵng) nên có cơ chế mở, tuy trực thuộc DTF nhưng DTTC tự quyết tất cả vấn đề chuyên môn, tuyển chọn VĐV, kế hoạch tập huấn, thi đấu… Tư duy đào tạo DTTC cũng khá “thoáng”, sẵn sàng nhận đào tạo VĐV giỏi của các trung tâm khác, không đặt nặng ràng buộc VĐV thành tài sẽ thi đấu cho ai. Bởi mục đích DTTC là tạo ra thế hệ VĐV quần vợt VN tài năng, chuyên nghiệp. Hiện DTTC tuyển chọn VĐV từ các quận huyện và tỉnh thành khác, chương trình đào tạo kết hợp học văn hóa, bố trí chỗ ăn nghỉ, hỗ trợ sinh hoạt phí.

Nâng mức giải thưởng

Trong khi đó, ở bộ môn cầu lông, Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành cũng vừa cam kết tài trợ 5 năm (2019 - 2023) cho Liên đoàn cầu lông Đà Nẵng (DBF) với mức 1-2 tỉ đồng/năm để phát triển môn thể thao này. Hoạt động mở màn là Giải Cầu lông truyền thống các CLB lần 24 năm 2019 - Tranh Cúp VN Đà Thành Group lần 1, thu hút 500 VĐV đến từ 20 CLB của Đà Nẵng và tỉnh, thành lân cận. Trong gói tài trợ 600 triệu đồng, có 60% dành cho giải thưởng nhằm tăng mức giải thưởng lên 4-5 lần.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VN Đà Thành Group, cho hay cầu lông là môn thể thao có tính cộng đồng cao nhờ dễ chơi, không yêu cầu quá cao về cơ sở hạ tầng, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa phát triển các VĐV thành tích cao, dù ở mảng phong trào các CLB đều rất mạnh. Do đó, VN Đà Thành Group tài trợ để mở rộng các giải đấu tầm quốc tế, góp phần đưa VĐV quốc tế về tạo động lực phát triển môn cầu lông TP. Mục tiêu thứ 3 là xúc tiến thành lập quỹ đào tạo bồi dưỡng VĐV, hỗ trợ VĐV có thành tích 3-5 triệu đồng/tháng; tìm kiếm, đào tạo VĐV trẻ, chuyên nghiệp, đưa đi tập huấn, thi đấu quốc tế để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. “Hy vọng với nguồn lực tài trợ mạnh, các CLB cũng như DBF tìm kiếm được các VĐV xuất sắc. Muốn vậy, phải tạo chế độ đãi ngộ xứng đáng, để VĐV không phải lo về vấn đề kinh tế, yên tâm luyện tập và thi đấu, từ đó xây dựng đội tuyển chất lượng cùng thế hệ VĐV thi đấu chuyên nghiệp”, ông Bảo nói.
Ngoài quần vợt, cầu lông, VN Đà Thành Group còn thành lập Công ty CP VN Đà Thành Sport, với nhiệm vụ phát triển các bộ môn võ thuật, quỹ đào tạo VĐV, tiến đến tổ chức các giải thường kỳ như võ cổ truyền, boxing, kick boxing, muay Thái...
Ông Nguyễn Trọng Thao, Phó giám đốc Sở VH-TT, cho hay nhiều nước trên thế giới có ngành thể thao phát triển đều đặt trọng tâm xã hội hóa; Nhà nước khuyến khích đầu tư nhưng không quản lý trực tiếp nguồn lực mà giao các tổ chức quản lý xã hội. “Như tại Đà Nẵng, thành lập DTTC thuộc DTF là hướng đi phù hợp, không bị ràng buộc bởi quản lý Nhà nước. Các nước đều như vậy nên mình phải năng động theo. Tuy nhiên, quản lý Nhà nước vẫn hỗ trợ về chuyên môn, như biệt phái HLV qua công tác, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, sân bãi, tiền thưởng đảm bảo theo ưu đãi của TP”, ông Thao chia sẻ.
DTTC vừa đầu tư máy bắn bóng hiện đại, sắp xây dựng sân quần vợt 3.000 chỗ tiêu chuẩn tổ chức giải quốc tế. Mục tiêu trong 7 năm đến, DTTC cung cấp 1/3 thành viên đội tuyển quần vợt VN, VĐV có thứ hạng trong bảng xếp hạng quần vợt thế giới (ATP và WTA), đạt thứ hạng cao tại các giải trẻ hệ thống Grand Slam như Mỹ mở rộng, Úc mở rộng, Roland Garros, Wimbledon… Tất cả tạo tiền đề đưa quần vợt Đà Nẵng thành một trong những trung tâm quần vợt tốt nhất VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.