Đã phát sinh tội phạm tham nhũng trong phòng, chống Covid-19

24/10/2021 05:47 GMT+7

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tình hình tội phạm tham nhũng dù đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ngoài tham nhũng “truyền thống” tại một số lĩnh vực, đã phát sinh tham nhũng liên quan công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Ngày 23.10, tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng; báo cáo về hoạt động của ngành TAND và Viện KSND.

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội

Báo cáo của Chính phủ do đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày cho biết năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm.

“Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%”, đại tướng Tô Lâm nêu rõ.

Cả nước có 22 tỉnh, thành đang thuộc cấp độ dịch Covid-19 "vùng xanh"

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đánh giá tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe…

Xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm chưa tương xứng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo hoạt động các cơ quan tư pháp

Trình bày báo cáo thẩm tra công tác của Chính phủ và hoạt động tư pháp nói chung, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đồng tình với các đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế.

Trong đó, vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng chủ yếu là xử lý hành chính. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng và xảy ra ở nhiều lĩnh vực với số tiền bị chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng; tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái; nhất là trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế…

Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ, tăng 20,18% và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng chống dịch và lực lượng công an. Vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, phổ biến là các hành vi không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là các hành vi buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy, gây mất an ninh trật tự, một số vụ việc do người sử dụng ma túy bị “ảo giác” thực hiện đã gây bức xúc, lo lắng trong dư luận.

Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng giảm mạnh ?

Liên quan công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2021, công tác này tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực”. Chính phủ, các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án, mở rộng điều tra và khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, như vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam; Nguyễn Duy Linh, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo…

“Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ”, bà Lê Thị Nga nói.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đánh giá còn có những hạn chế nhất định. Có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục...

Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp cho biết cùng với các loại tội phạm tham nhũng “truyền thống”, thì hiện đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo thẩm tra cũng dẫn chứng nhiều vụ việc như hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vắc xin tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước… Tình trạng làm giả giấy nhận diện QR Code để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đặt câu hỏi vì sao thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp

GIA HÂN

Thảo luận về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao thu hồi tài sản tham nhũng lại đạt kết quả rất thấp, chỉ hơn 5%. Báo cáo của Chính phủ trước đó cho biết tổng số tiền phải thu hồi trong các vụ án, vụ việc tham nhũng là 72.000 tỉ đồng, song đến nay mới thu được trên 4.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2020.

Đề nghị chế tài nặng với phim có nghệ sĩ vi phạm

Thảo luận tại tổ sáng 23.10 về dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) cho rằng trong lĩnh vực điện ảnh, các diễn viên điện ảnh có vai trò quan trọng. Đại biểu Hà cho rằng dự thảo luật cũng nên có quy định về dừng chiếu, hoặc rút phép hay như nào đó đối với các tác phẩm điện ảnh mà có nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, chính trị...

Liên quan hoạt động thẩm định phim, một số ý kiến đánh giá đây là khâu quan trọng để loại bỏ những tác phẩm không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế cũng gây ra nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cực và thiếu minh bạch với các nhà làm phim hiện nay.

Đề cập đến nội dung dự thảo luật đưa ra quy định nghiêm cấm xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân và nhân phẩm, danh dự cá nhân, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng tác phẩm điện ảnh thường miêu tả hiện thực của cơ quan, đơn vị theo hướng giả định để cuốn hút người xem. “Nếu không miêu tả hiện thực, né tránh các tiêu cực như vậy thì tác phẩm điện ảnh có còn phản ánh được chân thực đời sống hay không?”, bà Mai đặt vấn đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.