Đã tìm ra giải pháp bắt đối tượng dùng trạm BTS giả phát tán tin nhắn

Thu Hằng
Thu Hằng
05/07/2023 21:22 GMT+7

Các trạm BTS (trạm thu phát sóng) giả thường nhỏ gọn, được nhập lậu qua đường tiểu ngạch có thể phát tán hàng nghìn tin nhắn lừa đảo chỉ trong 1 phút.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT chiều 5.7, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), cho biết trong thời gian qua, tình trạng sử dụng trạm BTS giả gửi tin nhắn mạo danh tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn.

Bộ TT-TT tìm ra giải pháp bắt đối tượng dùng trạm BTS giả phát tán tin nhắn - Ảnh 1.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện

THU HẰNG

Từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 24 vụ dùng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác và lừa đảo. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện và xử lý 15 vụ.

Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, các thiết bị BTS giả phát tán tín hiệu đè lên sóng của các nhà mạng, khi đó thuê bao di động kết nối vào trạm phát sóng giả này mà không qua các nhà mạng. Các thiết bị giả có thể thực hiện hàng nghìn tin nhắn trong 1 phút, 80.000 - 100.000 tin nhắn mỗi ngày. Đặc biệt, trong nội dung tin nhắn rác thường gắn kèm các link lừa đảo, game độc hại, mạo danh website ngân hàng để lừa đảo…

"Các thiết bị BTS giả rất nhỏ gọn, thường được nhập lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, chở trên ô tô, xe máy và thay đổi liên tục nhiều địa điểm và chỉ dừng trong thời gian ngắn để phát tán tin nhắn. Do đó, việc xác định, phát hiện nguồn tín hiệu của BTS giả mất nhiều thời gian, nhân lực. Các tổ chức trên thế giới cũng đang nghiên cứu xử lý vấn đề này nhưng chưa có giải pháp cụ thể", ông Trần Mạnh Tuấn nói.

Giải thích thêm lý do các trạm BTS giả có thể đánh lừa người dùng, ông Tuấn cho hay, đây là lỗ hổng bảo mật của công nghệ di động GSM 2G, chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người dùng xác thực lại mạng, nên bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn giả mạo. Chúng có thể phát tán tin nhắn đến điện thoại trong vùng phủ khoảng 100 m. Nhiều quốc gia đang dùng GSM 2G cũng gặp phải thách thức này.

Bộ TT-TT tìm ra giải pháp bắt đối tượng dùng trạm BTS giả phát tán tin nhắn - Ảnh 2.

Các đối tượng thường dùng ô tô, xe máy lắp đặt thiết bị BTS giả để phát tán tin nhắn rác

ARFM

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TT-TT đã phối hợp với Bộ Công thương tăng cường kiểm soát chặt chẽ, không cho phép xuất hiện quảng cáo và bán các thiết bị BTS giả trên sàn thương mại điện tử; đồng thời phối hợp Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) để phát hiện tình trạng nhập lậu BTS; chỉ đạo các Sở TT-TT để kiểm tra, phát hiện những tổ chức, cá nhân để phát hiện các thiết bị BTS giả tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các tổ chức ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán xác thực thông tin, định danh khách hàng khi thực hiện các giao dịch.

Ngoài các biện pháp trên, ông Trần Mạnh Tuấn cho biết, Bộ TT-TT đã tìm ra giải pháp rất hiệu quả để bắt được đối tượng sử dụng BTS giả ngay trong quá trình hoạt động.

"Khi BTS giả hoạt động, nhà mạng có thể nhận biết và khoanh vùng chúng ở khu vực nào. Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số vô tuyến điện sẽ sử dụng thiết bị để định vị chính xác BTS nằm ở đâu và phối hợp cùng cơ quan công an bắt tại chỗ các đối tượng lừa đảo cùng tang vật", ông Tuấn chia sẻ.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý tình trạng trạm BTS giả nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc cho các mục đích xấu, Bộ TT-TT khuyến cáo, khi thấy có dấu hiệu sai phạm hoặc phát hiện được các đối tượng có hành vi lắp đặt, sử dụng trạm BTS giả, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng nơi gần nhất để xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.