Sau Haaland (35 bàn), thì cây làm bàn số 2 của Man City ở giải Ngoại hạng mùa này là Phil Foden, chỉ có 10 bàn. Tiếp theo là Kevin de Bruyne, với số bàn thắng chưa bằng 1/4 của Haaland (7 bàn). Ở thái cực ngược lại, Arsenal hiện đã có đến 4 cầu thủ ghi được 10 bàn trở lên ở giải Ngoại hạng. Gần như chắc chắn Arsenal là đội duy nhất trong mùa bóng này có đến 4 chân sút ghi được 10 bàn trở lên ở giải Ngoại hạng.
Khách quan mà nói, cho dù mất ngôi đầu bảng về tay Man City, đây vẫn là mùa bóng cực kỳ thành công của Arsenal, là một trong những mùa bóng hay nhất của họ kể từ lần sau cùng vô địch Ngoại hạng Anh (năm 2004). Và cái hay rõ ràng nhất của Arsenal là hàng công tuyệt vời, với Gabriel Martinelli, Martin Odegaard, Bukayo Saka, Gabriel Jesus đều tỏ rõ giá trị. Họ đang có lần lượt 15, 14, 13, 10 bàn, dù cuộc đua vẫn còn 4 vòng đấu nữa.
Đây chỉ mới là trường hợp thứ 8 trong lịch sử Ngoại hạng Anh, một đội bóng có đến 4 cầu thủ khác nhau đạt cột mốc ghi 10 bàn (Arsenal, Chelsea, M.U, Man City, mỗi đội có 2 lần đạt cột mốc này). Trong 7 trường hợp trước đây, có đến 4 lần cầu thủ ghi bàn ít nhất có đúng 10 bàn, và có đến 6 cầu thủ như thế. Mùa này, ai cũng biết rằng Jesus chấn thương vì World Cup 2022, phải nghỉ thi đấu khá lâu. Có nghĩa, khả năng thực của Jesus không chỉ giới hạn ở thành tích ghi 10 bàn trong 20 lần đá chính. Mặt khác, chỉ cần Jesus ghi thêm 1 bàn từ nay đến cuối mùa, thì Arsenal sẽ có đến 4 chân sút ghi "trên" 10 bàn – và đấy là điều chỉ có 3 đội khác từng làm được trong lịch sử giải Ngoại hạng.
Trong suốt 17 mùa bóng đầu tiên, thì M.U ở mùa bóng 1995-96 là đội duy nhất có 4 cầu thủ ghi được 10 bàn trở lên. Ngược lại, từ khi Chelsea vô địch mùa bóng 2009-10 đến nay, có đến 7 lần hiện tượng vừa nêu xuất hiện, chỉ trong 14 mùa bóng. Đây là bằng chứng quá rõ ràng nói lên xu hướng chiến thuật trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Trước đây, lối chơi dựa theo sơ đồ 4-4-2 thống trị sân cỏ Anh gần như tuyệt đối, với sự phân công nhiệm vụ thật rõ ràng: tiền vệ lo kiến tạo là chính và trách nhiệm ghi bàn thuộc về cặp trung phong. Bây giờ, các sơ đồ 4-3-3 hoặc 4-2-3-1 đã lấn lướt hoàn toàn so với 4-2-2 và "mốt" phổ biến là các cầu thủ tấn công đảm trách cả việc ghi bàn lẫn kiến tạo cho nhau. Mỗi đội thường có một "bộ tứ tấn công" mà trong đó không nhất thiết phải định rõ bàn thắng cho đội sẽ đến từ ai hoặc vị trí nào.
Thành tích ghi bàn của bộ tứ Martinelli, Odegaard, Saka, Jesus cho thấy tính hiện đại rất cao trong lối chơi của Arsenal. Đấy thật sự là đặc điểm "định dạng" một đội bóng lớn. Ngoài việc ghi bàn, 4 ngôi sao này còn có thành tích kiến tạo rất ấn tượng (tổng cộng là 29 lần kiến tạo thành công). Odegaard vốn là tiền vệ (giữa hoặc phải), nhưng anh đặc biệt sở trường trong việc nhận các đường chuyền sệt từ bên trái và ghi bàn bằng chân trái. Saka và Martinelli di chuyển từ biên vào giữa, hoặc ngược lại, rất hợp lý trước khi tung cú dứt điểm. Còn Jesus là một tiền đạo toàn diện: dứt điểm, di chuyển tạo khoảng trống, phối hợp đều hay. Cần lưu ý: trong 8 đội bóng từng có 4 chân sút ghi 10 bàn trở lên ở giải Ngoại hạng, thì riêng Jesus đã góp mặt ở 3 đội (Man City mùa bóng 2017-18, Man City 2019-20 và Arsenal mùa này).
Mùa này, Erling Haaland có… làm hại khả năng ghi bàn của những cầu thủ khác ở Man City? Đấy là một đề tài thú vị, rất đáng tranh luận. Cách lên bóng, phối hợp của Man City quả đã phải thay đổi nhiều từ khi haaland xuất hiện. Đã có những lúc Man City tỏ ra lao đao, không còn đáng sợ như trước. Họ phải phản công, chuyền dài nhiều hơn. Arsenal có thể đành phải chấp nhận vị trí á quân, nhưng lối chơi nói chung và giá trị của bộ tứ tấn công trong đội hình Arsenal thì quá rõ ràng. Quá tương phản – và đấy là một sự tương phản thú vị - so với Man City của Erling Haaland!
Bình luận (0)