Hôm 18.8, ước tính khoảng 1,7 triệu người tham gia biểu tình, lớn nhất trong vòng nhiều tuần qua, nhưng không xảy ra bạo lực. Đây được cho là diễn biến tích cực sau nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cũng như với một số nhóm lạ mặt.
Phát biểu với các phóng viên hôm nay 20.8, bà Lâm cho hay giới chức sẽ lập một nhóm đặc biệt để điều tra cáo buộc cảnh sát "dùng vũ lực quá mức" trong các vụ đụng độ trước đó với người biểu tình. Bà Lâm còn tái khẳng định dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết” và “không có kế hoạch xem xét lại dự luật, đặc biệt trong lúc dân chúng đang có nhiều quan ngại”.
Trước đó vào ngày 9.7, bà Lâm tuyên bố dự luật nói trên “đã chết”, khi cuộc biểu tình phản đối dự luật dâng cao. Theo dự luật, nhánh hành pháp Hồng Kông có quyền xem xét và quyết định đưa nghi phạm bị truy nã đến những nơi mà đặc khu chưa có thỏa thuận dẫn độ như đại lục, Macau hay Đài Loan. Tuy nhiên, người biểu tình chỉ trích dự luật làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông, khiến nghi phạm đối diện cáo buộc không rõ ràng hoặc bị xét xử không công bằng ở đại lục.
Dù vậy, người biểu tình cho rằng động thái phản ứng của chính quyền là chưa đủ vì dự luật có thể được mang ra để xem xét sau này và họ tiếp tục tiến hành các biểu tình vào mỗi cuối tuần cho đến bây giờ.
Từ mục tiêu ban đầu là phản đối dự luật, những người biểu tình sau đó muốn bà Lâm từ chức, yêu cầu giới chức dừng mô tả các cuộc biểu tình là “bạo động”, miễn khởi tố những người bị bắt, điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát “dùng vũ lực quá mức” và cải cách chính trị.
Theo Reuters, sẽ có thêm các cuộc biểu tình trong vài ngày tới, trong đó có cuộc đình công của nhân viên tàu điện ngầm vào ngày mai 21.8, cuộc bãi khóa chống dự luật dẫn độ của học sinh trung học vào ngày 22.8 và cuộc biểu tình của các nhân viên kế toán vào ngày 23.8.
Bình luận (0)