(TNO) Công ty thám hiểm đại dương GeoResonance (Úc) ngày 28.4 cho biết, họ tin rằng đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay mất tích MH370 tại vịnh Bengal, phía đông bắc Ấn Độ Dương, không lâu sau khi Thủ tướng Úc Tony Abbott tuyên bố có khả năng sẽ không tìm thấy MH370 mất tích.
|
Tuy nhiên, Công ty thám hiểm đại dương GeoResonance cho rằng các đội tìm kiếm quốc tế do Úc đứng đầu đã tìm sai vị trí, theo đài 7News (Úc).
GeoResonance đã tiến hành một cuộc tìm kiếm riêng bắt đầu vào ngày 10.3, ở đáy biển. Ông David Pope, người phát ngôn GeoResonance cho biết: “Công nghệ mà chúng tôi sử dụng để tìm kiếm được thiết kế để tìm kiếm đầu đạn hạt nhân và tàu ngầm”.
GeoResonance đã khảo sát một khu vực rộng 2.000.000 km2, sử dụng các hình ảnh từ vệ tinh và máy bay.
Theo ông Pope, GeoResonance đã sử dụng 20 công nghệ khác nhau để phân tích các bức ảnh và phát hiện máy bay MH370 có khả năng rơi ở vịnh Bengal phía đông bắc Ấn Độ Dương, cách khu vực mà Úc cùng các nước đang tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương trên 5.000km.
“Công ty chúng tôi rất hào hứng khi chúng tôi phát hiện những thứ mà chúng tôi tin rằng là mảnh vỡ của MH370”, ông Pope nói.
Ông Pavel Kursa, nhà nghiên cứu của Pavel Kursa GeoResonance cho hay: “Chúng tôi phát hiện các chất hóa học và vật liệu cấu thành Beoing 777… bao gồm nhôm, titan, đồng và các vật liệu khác”.
Để kiểm chứng cho kết quả tìm kiếm này, GeoResonance tiến hành phân tích hình ảnh và dữ liệu tại cùng vị trí ở vịnh Bengal vào ngày 5.3, tức ba ngày trước khi MH370 mất tích một cách bí ẩn.
|
“Chúng tôi không phát hiện được gì ở khu vực vịnh Bengal trước khi MH370 mất tích”, ông Pope nói.
Ông Pope cho biết: “Chúng tôi không định nói rằng những gì mà chúng tôi tìm thấy chắc chắn là mảnh vỡ của MH370, nhưng đây có thể là mạnh mối mới để tìm kiếm”.
GeoResonance đã gửi bản báo cáo của mình cho chính quyền Úc (hiện đứng đầu công tác điều phố tìm kiếm MH370), nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.
Trong một bài xã luận đăng trên các trang tin Malaysia hồi tuần rồi, cựu thủ tướng Malaysia, tiến sĩ Mahathir Mohamad đã đặt nghi vấn liệu rằng máy bay mất tích MH370 có rơi xuống nam Ấn Độ Dương hay không và cho rằng MH370 mất tích bí ẩn là do hãng Boeing.
Trong khi đó, đương kiêm Thủ tướng Malaysia Najib Razak Malaysia hôm 24.4 tuyên bố chính quyền Malaysia sẽ công bố bản báo cáo sơ bộ về máy bay MH370, giữa lúc chính phủ nước này bị chỉ trích thiếu minh bạch trong công tác điều tra.
Chiếc Boeing 777-200 (MH370) của hãng Malaysia, chở 239 người, biến mất khỏi màn hình radar vào ngày 8.3 sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur để đến thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Chính quyền Malaysia từng tuyên bố sau khi biến mất khỏi màn hình radar, MH370 đã chuyển hướng, rồi rơi xuống nam Ấn Độ Dương, phía tây nam thành phố Perth (Úc) và không có ai sống sót.
Thủ tướng Abbott ngày 28.4 thừa nhận cơ hội tìm ra MH370 ở nam Ấn Độ Dương là rất mong manh và cuộc tìm kiếm sẽ bước sang giai đoạn mới, mở rộng khu vực tìm kiếm trong lòng biển.
Cư dân mạng "bán tín, bán nghi" Trên trang trang mạng tech.slashdot.org và reddit.com, các cư dân mạng cũng bàn tán xôn xao về thông tin từ đài 7News. Một số cư dân mạng tin vào thông tin này, nhưng cũng có một số cư dân mạng bày tỏ sự hoài nghi. Trên tech.slashdot.org, một cư dân mạng đặt nghi vấn rằng GeoResonance đã sử dụng công nghệ gì để đưa ra kết luận trên hay chỉ dựa vào hình ảnh vệ tinh, trong khi hình ảnh vệ tinh chỉ chụp được bề mặt biển. Một cư dân mạng khác không tin vào MH370 rơi ở bịnh Bengal, cho rằng vịnh Bengal là một trong số những vùng đại dương ô nhiễm nhất thế giới. |
Phúc Duy
>> Thủ tướng Úc: Không tìm thấy MH370 'cả trên không lẫn dưới biển
>> Cựu thủ tướng Malaysia: MH370 mất tích bí ẩn là do hãng Boeing
>> Nếu MH370 không bao giờ được tìm thấy thì sao?
>> Đã quét 95% vùng tìm kiếm trong lòng biển vẫn không tìm ra MH370
>> Malaysia sẽ công bố báo cáo sơ bộ về máy bay mất tích MH370
>> Vật thể tình nghi mảnh vỡ MH370 trôi vào bờ biển Úc
>> Quân đội Trung Quốc để lộ điểm yếu trong cuộc tìm kiếm MH370
>> Úc sẽ dùng thiết bị quét đáy biển phát hiện tàu Titanic để tìm MH370
>> MH370 mất tích: Tàu ngầm Mỹ đã quét hơn 80% diện tích khu vực tình nghi
Bình luận (0)