'Đại án' đăng kiểm: Cựu Cục trưởng đăng kiểm Trần Kỳ Hình nhận hối lộ hơn 7 tỉ đồng

26/03/2024 21:16 GMT+7

Trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị can Trần Kỳ Hình đã duyệt cấp đủ năng lực cho 63 cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật và nhận hối lộ hơn 6,5 tỉ đồng và 23.000 USD trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế.

Ngày 26.3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP.HCM truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

'Đại án' đăng kiểm: Cựu Cục trưởng đăng kiểm Trần Kỳ Hình nhận hối lộ hơn 7 tỉ đồng- Ảnh 1.

Các bị can bị bắt trong "đại án" đăng kiểm

THANH TUYỀN

Theo đó, kết luận điều tra nêu rõ 6 nhóm hành vi phạm tội trong lĩnh vực thuộc quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, gồm: hành vi phạm tội trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện cơ giới; lĩnh vực kiểm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện cơ giới, kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm xảy ra tại 14 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước; hành vi phạm tội trong sản xuất mua bán phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; hành vi vi phạm của Phòng tàu sông (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) và các chi cục đăng kiểm; hành vi vi phạm trong đấu thầu, mua sắm dây chuyền, thiết bị đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm; hành vi liên quan đến các giám đốc Trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.Hà Nội.

Xem nhanh 12h ngày 27.3: Diễn biến mới đại án đăng kiểm

Cụ thể, trong nhóm sai phạm của lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo Phòng tàu sông, Cơ quan CSĐT xác định, đầu năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam giao cho các chi cục đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy thông báo năng lực kỹ thuật cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa.

Tuy nhiên quá trình thực hiện quy trình cấp thông báo này sai quy định, các bị can là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo Phòng tàu sông nhận tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để cấp cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực nói trên.

Cụ thể, bị can Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 - 1.8.2021) đã ký cấp thông báo năng lực 249 cơ sở đóng tàu. Đến nay xác định 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.

Còn bị can Nguyễn Vũ Hải (Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã ký cấp thông báo năng lực 51 cơ sở đóng tàu, nhưng có 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.

Bị can Bùi Quốc Hưng (Trưởng phòng tàu sông) đã đánh giá 62 cơ sở và soát xét 98 hồ sơ, công an xác định 30 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực. bị can Đậu Ngọc Bình (Phó trưởng Phòng tàu sông) đã đánh giá 1 hồ sơ, xét 57 hồ sơ và có 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực. Bị can Vũ Văn Sơn (đăng kiểm viên Phòng tàu sông) cấp thông báo năng lực cho 3 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện. Bị can Phan Huy Liêm (đăng kiểm viên Phòng tàu sông) cấp 5/21 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.

Nhận hàng trăm triệu đồng để xin cấp phép cho cơ sở đóng tàu hoạt động

Theo kết luận, với cơ sở đóng tàu của Công ty TNHH Hà Hải do bị can Nguyễn Đăng Dương làm chủ và Công ty TNHH Tiến Trung do bị can Phạm Tiên Tiến làm phó giám đốc, đã liên hệ bị can Vũ Đức Nhất (Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm Hải Dương, biệt phái Phó trưởng phòng Tàu sông) để lập hồ sơ cấp thông báo năng lực cho cơ sở đóng tàu.

Để làm được việc này, bị can Nguyễn Đăng Dương thỏa thuận đưa hối lộ cho Vũ Đức Nhất 220 triệu đồng, Phạm Tiên Tiến thỏa thuận đưa hối lộ cho Vũ Đức Nhất 280 triệu đồng để được cấp giấy chứng nhận thông báo năng lực.

Sau đó, Vũ Đức Nhất giới thiệu Vũ Tiến Thuật lập hồ sơ đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp thông báo năng lực cho cơ sở đóng tàu.

Kết luận thể hiện, việc Vũ Tiến Thuật lập hồ sơ được Công ty Hà Hải và Công ty Tiến Trung trả mỗi hồ sơ 15 triệu đồng; Nguyễn Đăng Dương đưa cho Thuật 220 triệu đồng để đưa cho Nhất; bị can Phạm Tiên Tiến đã đưa cho Thuật 280 triệu đồng để đưa cho Nhất. Sau khi nhận được tiền, Thuật đưa cho Nhất 350 triệu đồng và đưa tiền mặt cho Nhất 150 triệu đồng.

Sau khi nhận tiền của 2 cơ sở đóng tàu trên, Vũ Đức Nhất đưa cho bị can Đậu Ngọc Bình để đánh giá 2 cơ sở đóng tàu này 300 triệu đồng (nhưng bị can Đậu Ngọc Bình không thừa nhận). Sau khi Vũ Tiến Thuật lập xong hồ sơ thì đưa cho bị can Nguyên Đăng Dương và Phạm Tiên Tiên ký đóng dấu để gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá.

Sau khi nhận được hồ sơ, Phòng tàu sông phân công các bị can Phan Huy Liêm, Vũ Văn Sơn là người đánh giá trực tiếp, bị can Bùi Quốc Hưng, Đậu Ngọc Bình là người soát xét. Quá trình đánh giá và soát xét hồ sơ của 2 xưởng này không đủ điều kiện để cấp thông báo năng lực theo quy định nhưng vẫn đề xuất cấp thông báo năng lực cho 2 cơ sở này và được Nguyễn Vũ Hải ký cấp cho 2 cơ sở đóng tàu này hoạt động trái pháp luật.

Nhận 2,8 tỉ đồng để cấp phép cho 38 cơ sở đóng tàu tại Long An

Đối với 38 cơ sở đóng tàu tại Long An, để được cấp thông báo năng lực các cơ sở đóng tàu tại Long An, các cơ sở đã liên hệ bị can Phạm Hoài Hà (Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An).

Bị can Hà đã giới thiệu bị can Nguyễn Xuân Hào (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) tiến hành lập hồ sơ của 38 cơ sở đóng tàu. Quá trình lập hồ sơ tại Long An, Nguyễn Xuân Hào đã nhận của chủ các cơ sở đóng tàu này từ 30 triệu đồng đến 150 triệu đồng/xưởng trọn gói đến khi được cấp thông báo năng lực.

Sau đó, Nguyễn Xuân Hào đã gửi các hồ sơ này ra Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá. Quá trình đánh giá, Cục Đăng kiểm đã cử Lê Ngọc Tú - Phó trưởng phòng Đánh giá các hồ sơ tại Long An.

'Đại án' đăng kiểm: Cựu Cục trưởng đăng kiểm Trần Kỳ Hình nhận hối lộ hơn 7 tỉ đồng- Ảnh 2.

Khám xét trung tâm đăng kiểm

CTV

Lúc này, bị can Đỗ Trung Học là người soát xét hồ sơ, Đỗ Trung Học yêu cầu Phạm Hoài Hà phải đưa tiền để duyệt hồ sơ.

Công an xác định, từ tháng 1.2021 đến tháng 5.2021, Nguyễn Xuân Hào đã chuyển cho Đỗ Trung Học là 4,1 tỉ đồng, trong đó, 2,8 tỉ đồng để cấp thông báo năng lực xưởng, còn lại 1,3 tỉ đồng Hà nhờ Nguyễn Xuân Hào chuyển cho Học để làm hồ sơ thiết kế.

Kết luận điều tra thể hiện, mặc dù các hồ sơ đánh giá các cơ sở tại Long An không đủ điều kiện để cấp thông báo năng lực theo quy định như: không có quy trình hàn, công nhân không có chứng chỉ thợ hàn, mặt bằng sản xuất không phải đất sản xuất kinh doanh mà là đất nông nghiệp; bến chuyên dùng không được cấp phép; chưa có giấy phép xây dựng; không có kỹ sư làm việc, không có hợp đồng với kỹ sư; không có ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ nhưng bị can Lê Ngọc Tú, Đỗ Trung Học vẫn đề xuất bị can Trần Kỳ Hình ký cấp thông báo năng lực cho các cơ sở đóng tàu này hoạt động trái pháp luật.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Trần Kỳ Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các chi cục đăng kiểm và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam, làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa. Phạm vào tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ngoài hành vi này, kết luận điều tra còn thể hiện bị can Trần Kỳ Hình còn bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ. Theo đó, bị can đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ (định kỳ hằng tháng, quý) của các giám đốc trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm của các trung tâm trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các phương tiện xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

Kết luận thể hiện bị can Trần Kỳ Hình nhận hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế hơn 6,5 tỉ đồng và 23.000 USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.