Cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng!
Tranh luận với Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về diện tích rừng , nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi kỳ họp, Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.
“Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói”, nữ đại biểu Gia Lai nhận định và cho rằng, “nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự là thấy sai sai”.
Theo bà Ksor H’Bơ Khăp, hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu nói và cho biết, cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc.
“Tôi nghĩ Bộ trưởng cần phải nghiên cứu lại, xem các dự án này phải điều chỉnh thế nào?”, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nêu.
Trước đó, trong phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên trong 30 năm qua. Theo ông Cường, diện tích rừng của Việt Nam vào năm 1990 là 9 triệu ha với độ che phủ là 27%. Tới nay, diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%.
“Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị”, ông Cường khẳng định trước Quốc hội.
Xử lý thế nào với các tấm pin mặt trời hết thời hạn?
Nữ đại biểu tỉnh Gia Lai cũng tranh luận Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc xử lý các tấm pin mặt trời của các dự án điện mặt trời mà ông Tuấn Anh thông tin tới các đại biểu Quốc hội trước đó.
Theo nữ đại biểu, điều các đại biểu, người dân cần là người đứng đầu ngành này có phương án đối với việc đó, chứ "không thể nói là đã có quy định, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý”.
Theo đại biểu Ksor H’Bơ Khăp, hiện cán bộ, nhân dân ở địa phương có pin năng lượng này rất hoang mang ngay kể cả bản thân bà.
“Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao, vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?”, bà Ksor H'Bơ Khăp nói.
Trước đó, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, về các tấm pin quang điện trong dự án điện mặt trời, Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ KH-CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.
Cũng theo Bộ trưởng Tuấn Anh, theo quy định hiện nay, tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện.
“Thực tế chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường thì các nhà cung cấp cho các tấm pin quang điện đều có những hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bình luận (0)