Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: 'Xử lý quan chức lớn chưa tương xứng với các đám cháy'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/11/2019 16:30 GMT+7

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đọc báo cáo giám sát không thấy lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý, cảm giác không tương xứng với các vụ cháy đã xảy ra.

Thảo luận về báo cáo kết quả giám sát về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 chiều 13.11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dẫn số liệu từ báo cáo cho biết, trong giai đoạn giám sát có 50 vụ cháy lớn, tuy nhiên, chỉ trong 1 năm, từ 7.2018 tới thời điểm báo cáo, đã xảy ra 43 vụ cháy lớn khác, tức bằng 86%.
Theo đại biểu Nhưỡng, cần phải nghiên cứu lý do tại sao chỉ 1 năm lại xảy ra số vụ cháy bằng tới 86% của 4 năm trước đó. Đặc biệt là trong số 43 vụ cháy này thì đứng đầu TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, một nơi là thủ đô, một nơi là thành phố lớn nhất, còn một nơi là địa phương phát triển công nghiệp lớn nhất Việt Nam. “Câu hỏi đặt ra là chúng ta phát triển quá nóng nó cháy hay là do trách nhiệm?”, đại biểu Nhưỡng nêu vấn đề.

Không thấy lãnh đạo, quan chức lớn nào bị xử lý

Nói về nguyên nhân dẫn tới các vụ việc cháy, nổ trong thời gian qua, Phó trưởng Ban Dân nguyện đánh giá, báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra nhiều nguyên nhân nhưng không thấy nguyên nhân nào đánh giá rõ trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các ngành, địa phương.
“Tôi đọc không thấy đồng chí lãnh đạo nào, quan chức lớn nào bị xử lý. Hầu hết các vụ rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ. Tôi cảm giác như xử lý không tương xứng với các đám cháy”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
“Cử tri đánh giá, phải chăng, việc cháy không đến với các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành nên không có trách nhiệm gì. Chỉ có người dân chịu thôi”, ông Nhưỡng nói thêm và cho rằng, bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm của cá nhân, đơn vị xảy ra cháy thì không thể không xem xét trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo địa phương.
Dẫn số liệu báo cáo kết quả giám sát cho biết, chỉ 4/63 hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, ông Nhưỡng nêu vấn đề: 59 hội đồng nhân dân chưa ban hành nghị quyết có trách nhiệm gì không trong việc giám sát và chỉ đạo ban hành nghị quyết?

'Cháy không chỉ do chập điện, sơ suất mà con do dã tâm, sự độc ác'

Phó trưởng Ban Dân nguyện cũng cho rằng, nếu nguyên nhân của đám cháy là do thiên nhiên thì có thể miễn trách nhiệm nhưng nếu là do con người thì dù vô ý hay cố ý đều có trách nhiệm.
“Anh lơ là, không quản lý, buông lỏng quản lý chưa nói đến đoạn có dã tâm, độc ác, phóng hỏa, trả thù nhau, tiêu diệt lẫn nhau?”, ông Nhưỡng nêu và cho biết, ông nhận được phản ánh cử tri có trường hợp đốt chợ để phục vụ lợi ích nhóm, xây dựng chợ khác.
“Vô cùng đau lòng. Nếu thực sự như vậy, chúng ta thấy cháy không còn là vấn đề sơ suất, chập điện mà do chính sự dã tâm và độc ác”, đại biểu tỉnh Bến Tre nhấn mạnh và đặt câu hỏi: liệu những vấn đề này có được điều tra, truy tố trước pháp luật để trừng trị và trả lời cho cử tri hay không?
Từ những phân tích trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục rút kinh nghiệm, không đặt vấn đề trách nhiệm với cán bộ, lãnh đạo địa phương, các ngành để xảy ra cháy thì chưa nghiêm túc. Từ đó, ông đề nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo nghị quyết quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, các ngành để xảy ra cháy thay vì chỉ quy định đề cao trách nhiệm chung chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.