Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Tại sao bác sĩ giỏi lại không thành đại gia?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
22/03/2022 19:16 GMT+7

'Tại sao những nghề khác, ngân hàng, nhà đất, người giỏi làm việc có thể thành đại gia không ai nói, trong khi bác sĩ giỏi lại không thành đại gia ?', đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đặt vấn đề.

"Giám đốc bệnh viện chúng ta bạc đầu chuyện làm sao nuôi được bệnh viện của mình"

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, có những thảo luận mở tại hội thảo góp ý dự thảo luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 22.3.

Phạm Khánh Phong Lan cho rằng dự thảo luật Khám chữa, bệnh (sửa đổi) vẫn chưa giải quyết hết những mâu thuẫn về cơ chế tài chính. Với dự thảo này, theo bà Lan, chưa giải quyết hết được mâu thuẫn.

"Chúng ta đã phát triển các cơ chế tài chính cho bệnh nhân, đặc biệt là vai trò của bảo hiểm, nhưng chi phí bảo hiểm của chúng ta đóng là thấp so với toàn thế giới. Chúng ta nhấn mạnh vai trò của nhà nước, như đóng bảo hiểm cho người nghèo, người khó khăn dẫn đến việc bằng mọi cách khống chế giá cả, khi đó, chất lượng không thể bảo đảm được. Cuối cùng, người trả giá là ngành y tế", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

GIA HÂN

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho hay: "Tôi có ước mơ, tại sao chúng ta không tìm con đường đơn giản nhất, nhìn sang các nước khác, không cần xa xôi như Mỹ, Pháp, ngay tại chính Thái Lan thôi. Tại sao người ta cũng là bác sĩ, nhưng lại tập trung vô chuyên môn khám chữa bệnh, còn đằng này tất cả các giám đốc bệnh viện chúng ta bạc đầu về chuyện làm sao nuôi được bệnh viện của mình - một đơn vị sự nghiệp. Chúng ta phải đối diện rất lớn làm sao có chi phí để hoạt động có hiệu quả, làm sao để người dân hiểu ngành y mục tiêu rất cao quý, nhưng muốn thực hiện mục tiêu cao quý, phải có phương tiện, nhưng chẳng ai cho cả".

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần có những đóng góp, giải pháp sâu rộng hơn về cơ chế tài chính. "Chứ không thể như thế này, phía ngành bảo hiểm thì muốn chi đúng, nhưng bệnh viện thì muốn có máy móc, thuốc thang, chi phí vận hành kho dược... Cơ chế tài chính cần đào sâu thêm, vì nó liên quan rất nhiều quy chế vận hành của các bệnh viện, đến cơ chế sử dụng tài sản công, đầu cơ...", bà Lan cho hay.

Đề nghị có quy định bắt buộc mua bảo hiểm hành nghề cho nhân viên y tế

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng thảo luận, nghề y là nghề nguy hiểm, khi bệnh nhân chữa bệnh sẽ có những trường hợp lực bất tòng tâm, sai sót. Chính vì vậy, đề nghị luật phải có quy định bắt buộc mua bảo hiểm hành nghề cho nhân viên y tế kể cả công lẫn tư, để bình đẳng.

"Bác sĩ phải được bảo vệ, tránh tình trạng bệnh viện nào giàu, có tiền, mua được bảo hiểm cho bác sĩ, còn bệnh viện khác thì không được", bà Lan nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề nhân sự, tuyển dụng, bà Lan cho rằng cần phải tính toán để thu hút được chất xám, bác sĩ giỏi. "Các bệnh viện muốn chất lượng, nhưng chi phí trả lương vẫn không cao. Thực tế, chỉ một số ít các bác sĩ giàu, mà muốn giàu như vậy, người ta phải có phòng mạch, làm thêm ngoài giờ, rất cực. Tại sao những nghề khác, ngân hàng, nhà đất, người giỏi làm việc có thể thành đại gia không ai nói, trong khi bác sĩ giỏi lại không thành đại gia?", vị đại biểu TP.HCM nói.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM, cũng cho hay vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng, chính vì vậy đặt ra nhu cầu cấp thiết hoàn thiện thể chế liên quan lĩnh vực y tế.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị các đại biểu, đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế, địa phương... tiếp tục nghiên cứu, đóng góp vào luật Khám, chữa bệnh sửa đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.