Dù rất tán thành những ưu việt của phương thức quản lý mới khi bỏ sổ hộ khẩu, nhưng thảo luận tại hội trường về dự án luật Cư trú (sửa đổi), đa phần các đại biểu Quốc hội bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi, khi các điều kiện đi kèm với việc bỏ sổ hộ khẩu đều có vẻ chưa sẵn sàng.
Băn khoăn lớn về tính khả thi
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Dung (Điện Biên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, lưu ý việc quản lý cư trú theo phương thức mới chỉ có thể thực hiện được khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện.
Theo ĐB Dung, từ năm 2014, khi thông qua luật Căn cước công dân đã đặt ra vấn đề giảm bớt giấy tờ, thủ tục hành chính bằng thẻ căn cước. Thời điểm đó, Chính phủ nêu ra việc công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư CMND với 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với 80 triệu nhân khẩu để minh chứng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc đến năm 2020 là khả thi. Tuy nhiên, đến nay, đã quá mốc 1.1.2020 hơn 6 tháng, Bộ Công an báo cáo mới có 18 triệu công dân được cấp mã số định danh cá nhân, còn trên 80 triệu công dân nữa chưa được cấp, và phải đến tháng 12.2020 mới hoàn thành. Thực tế này khiến ĐB cho rằng “việc dự kiến áp dụng luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ ngày 1.7.2021 như tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện được”.
Thông qua luật Thanh niên (sửa đổi)Chiều 16.6, với 441/449 ĐB có mặt tán thành, QH thông qua luật Thanh niên (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Phan Thanh Bình cho biết dù có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH xin giữ nguyên quy định Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN, Tháng Thanh niên. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Chức năng, nhiệm vụ của ủy ban sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Về Tháng Thanh niên, dự thảo vừa thông qua quy định vào tháng 3 hằng năm. Luật cũng quy định, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên.
Ủy ban Thường vụ QH cũng cho biết, đề nghị thành lập Bộ Thanh niên hoặc Bộ Thanh niên - Thể thao trên cơ sở tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là xác đáng, song khẳng định đây là vấn đề quan trọng gắn với mô hình tổ chức Chính phủ và hệ thống chính trị, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp… Luật có hiệu lực từ 1.1.2021. Cùng ngày, với tỷ lệ 436/455 ĐBQH tán thành, QH đã thông qua luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
|
ĐB Dung cũng chỉ ra vấn đề đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo, vấn đề cơ sở hạ tầng chưa tương thích và đề nghị phải tính toán một lộ trình thực hiện, căn cứ vào thực tế từng địa phương, nơi nào đủ điều kiện thì làm trước, chứ không thể làm đồng loạt. “Nếu chúng ta đồng loạt bỏ sổ hộ khẩu trên toàn quốc ngay mà thực hiện không hiệu quả, phải quay trở lại cách làm cũ, sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều, tác động lớn đến đời sống của xã hội”, ĐB Dung nói.
Nhiều ĐB khác như ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái), ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn)… đều chia sẻ góc nhìn này và đề nghị Chính phủ làm rõ tính khả thi của quy định. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), một ĐB của ngành công an, bày tỏ tán thành cao với dự thảo, nhưng cũng đồng ý với đa số các ĐB về việc nghiên cứu lộ trình triển khai thực hiện để tránh việc thực hiện không đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội.
Hoàn thành các điều kiện để bỏ sổ hộ khẩu vào tháng 7.2021
Trong phần giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng hiện còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp thẻ căn cước. Trừ số công dân dưới 14 tuổi là 30 triệu người, số người cần cấp mã số định danh và thẻ căn cước là 50 triệu người. "Dự kiến còn 1 năm nữa để chúng ta thực hiện việc này, nếu được QH và Chính phủ ủng hộ thì 1 năm nữa hoàn thành, tức là vào ngày 1.7.2021", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về mã số định danh cá nhân, ông Lâm cũng cho biết Bộ Công an đã thu thập đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu về công dân khoảng 80 triệu, đã được đưa vào máy và đã kiểm tra. “Chúng tôi cũng thấy rằng, với việc đề xuất luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2021 mà chúng ta hoàn thành được cơ bản của việc cấp căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Việc cấp căn cước cho những người dưới 14 tuổi sẽ hoàn thành trong thời gian tiếp theo, sau ngày 1.7”, ông Lâm nói.
Giảm thuế cho DN đừng “đẻ” thêm tiêu chíSáng 16.6, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo sẽ giảm 30% thuế suất; đối tượng là DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
ĐB Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV), không đồng ý với tiêu chí này bởi luật Hỗ trợ DNNVV quy định DN nhỏ có quy mô doanh thu dưới 100 tỉ đồng. Chiếu theo dự thảo nghị quyết sẽ có nhiều DN doanh thu từ trên 50 tỉ đồng đến dưới 100 tỉ đồng sẽ không được hỗ trợ. Ngoài ra, khống chế 100 lao động cũng chưa hợp lý. “Cần phải xem xét hỗ trợ theo đúng tinh thần của luật Hỗ trợ DNNVV”, ĐB Thân đề nghị.
Đồng quan điểm, ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, cho rằng do điều kiện ngân sách không thể hỗ trợ được toàn bộ khu vực DNNVV, ít nhất cũng nên hỗ trợ cho toàn bộ khu vực DN nhỏ. “Đừng đẻ ra thêm một khái niệm là DN quy mô nhỏ. Nếu không mở rộng ra được các DN vừa thì hãy hỗ trợ được đúng đối tượng theo quy định của luật là DN nhỏ”, ông Lộc đề nghị.
|
Liên quan tới 167 văn bản có liên quan tới sổ hộ khẩu, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay một số văn bản thực hiện theo các quy định về sổ hộ khẩu giấy thì mặc nhiên sẽ hết hiệu lực thi hành, không còn giá trị. Một số văn bản khác, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ, QH để có những điều chỉnh giao dịch thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi cách thức quản lý này. Về những ý kiến mà các ĐBQH nêu, ông Lâm khẳng định cơ quan soạn thảo và thẩm tra sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý để trình QH thông qua tại kỳ họp 10 sắp tới.
Bình luận (0)