Đại biểu Quốc hội hỏi Bộ trưởng 'du lịch Việt Nam bao giờ đuổi kịp Thái Lan?'

05/06/2024 17:38 GMT+7

Dẫn đánh giá xếp loại của WEF, các yếu tố văn hóa, tự nhiên của Việt Nam đều cao hơn so với Thái Lan, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL vì sao Việt Nam lại thua xa Thái Lan trong thu hút du khách quốc tế.

Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chiều 5.6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) nêu năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 18 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu khoảng 20 tỉ USD, chiếm 5% GDP. 

Đại biểu Quốc hội hỏi Bộ trưởng 'du lịch Việt Nam bao giờ đuổi kịp Thái Lan?'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL bao giờ Việt Nam đuổi kịp và vượt du lịch Thái Lan

GIA HÂN

Trong khi, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 40 triệu khách du lịch quốc tế, đạt 98 tỉ USD, chiếm 12% GDP.

Đại biểu Hùng cũng dẫn số liệu đánh giá xếp loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút du khách quốc tế là tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên. Việt Nam xếp 24 và 25/119 nước và đều cao hơn Thái Lan. 

"Xin hỏi Bộ trưởng những vướng mắc hạn chế nào và giải pháp nào để Việt Nam đuổi kịp và vượt Thái Lan trong thu hút du khách quốc tế trong 5 năm tới", đại biểu đoàn Cần Thơ nêu.

Trả lời đại biểu Hùng, theo Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, kết quả của WEF 2024 có giá trị để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh. Nhưng thời điểm diễn đàn thu thập tài liệu năm 2022, Việt Nam mới thoát khỏi đại dịch và mức độ phát triển du lịch chưa được như bây giờ. 

Đại biểu Quốc hội hỏi Bộ trưởng 'du lịch Việt Nam bao giờ đuổi kịp Thái Lan?'

"Chúng ta rất cầu thị, nhưng số liệu năm 2022 mới mở cửa nên có những cái khó, nếu đến nay sẽ có sự đánh giá lại. Du lịch Việt Nam được 3,96 điểm, xếp hạng 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 sau khối ASEAN, thua Thái Lan. Chúng ta thấy việc này, Thủ tướng cũng yêu cầu làm sao để nâng cao được thứ hạng", Bộ trưởng Hùng nêu.

Về giải pháp, Bộ trưởng VH-TT-DL cho biết phải giữ cho được các thứ hạng cao như sức cạnh tranh về giá, an toàn, an ninh, tài nguyên tự nhiên, văn hóa là các điểm nổi trội. Còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, y tế vệ sinh, bền vững môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch..., Bộ VH-TT-DL đã đề xuất Chính phủ vì đây là ngành kinh tế tổng hợp.

Ông Hùng cũng dẫn ra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm. Có những địa phương trọng điểm du lịch nhưng bố trí kinh phí kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ 500 triệu đồng. Đoàn kiểm tra của sở y tế chắc chỉ đi vài lần là hết kinh phí vì còn phải lấy mẫu, phải test...

Ngoài ra, hạ tầng du lịch cũng do địa phương lập dự án, thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Khi cải thiện được chỉ tiêu thì xếp hạng sẽ tăng lên.

Về visa, Thái Lan dùng chính sách visa để mở cửa. Về việc mở chính sách visa, Quốc hội đã cho phép, Thủ tướng cũng đã kết luận và giao Bộ Ngoại giao đứng ra chủ trì phối hợp các bộ, ngành khác. 

"Độ mở cũng phải xem xét, không thể "dục tốc bất đạt", mà phải đi theo cách của Việt Nam, thận trọng và chắc chắn", Bộ trưởng Hùng nêu.

Liên quan đến nguồn nhân lực du lịch, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cho biết giải pháp để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau đại dịch Covid-19, nhân lực trong ngành du lịch đang thiếu. Nhân lực du lịch chia làm 3 lĩnh vực, làm tại cơ sở lưu trú 70%, khoảng 20% lữ hành, còn lại các lĩnh vực khác.

Nêu các giải pháp về đào tạo, theo ông, nhân lực ngành du lịch cần tiệm cận tiêu chuẩn nghề của ASEAN, tránh tình trạng khi mở cửa, nhân lực du lịch các nước ASEAN tràn vào chúng ta sẽ bị mất việc. 

Đại biểu Quốc hội hỏi Bộ trưởng 'du lịch Việt Nam bao giờ đuổi kịp Thái Lan?'- Ảnh 2.

Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dự phiên chất vấn chiều 5.6

GIA HÂN

Chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu hạn chế của một số hướng dẫn viên du lịch tại các điểm đến và đề nghị nâng cao chất lượng cả hướng dẫn viên Việt Nam và nước ngoài tại các điểm đến có giá trị văn hóa và lịch sử.

Trả lời đại biểu Phúc, Bộ trưởng Hùng thừa nhận một số điểm đến thiếu nhân lực du lịch nên sử dụng hướng dẫn viên không đạt chuẩn, cá biệt sử dụng người ngoài và hướng dẫn sai kiến thức văn hóa, lịch sử và cả thông tin điểm đến.

"Bộ VH-TT-DL đã thanh tra, kiểm tra và yêu cầu chấm dứt, thay thế ngay các hướng dẫn viên này. Nhưng phải sòng phẳng là việc quản trị điểm đến là trách nhiệm chính của các địa phương", ông Hùng nêu.

Về giải pháp, theo ông Hùng, cần tăng cường đào tạo và cấp chứng chỉ, chỉ những hướng dẫn viên đạt yêu cầu mới được tham gia hướng dẫn. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, địa phương phải tăng cường quản lý điểm đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.