Đại biểu Quốc hội: Phải có chế tài với hành vi đấu giá 'vô tội vạ'

22/05/2024 07:18 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng chế tài để ngăn chặn tình trạng người tham gia đấu giá trả giá một cách phi thực tế hoặc 'quá vô lý', sau đó bỏ cọc.

Chiều 21.5, thảo luận về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục dành sự quan tâm đối với hành vi trả giá "vô tội vạ" rồi bỏ cọc trong đấu giá. Chế tài nào để ngăn chặn tình trạng này?

Đại biểu Quốc hội: Phải có chế tài với hành vi đấu giá 'vô tội vạ'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng

GIA HÂN

Đấu giá phải là "giá thực chứ không phải giá ảo"

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng, đề nghị cần quy định ngay trong luật một số hành vi có dấu hiệu đấu giá vượt quá giá trị thực hoặc quá vô lý. Ông cho rằng cần bảo đảm giá mà người tham gia đấu giá trả là giá thực, chứ không phải ảo; đồng thời cần quy định cụ thể "trách nhiệm về mặt dân sự, hình sự" khi người tham gia đấu giá trả giá "một cách xa rời với thực tế".

Ông Tạo gợi ý, trường hợp đã được đấu giá viên giải thích một cách rõ ràng, nhưng người tham gia đấu giá vẫn chấp nhận đấu giá một cách phi thực tế, thì cần quy định nếu trúng đấu giá mà có hành vi bỏ cọc, dẫn đến hủy kết quả đấu giá sẽ bị phạt số tiền bằng bao nhiêu lần so với tiền đặt cọc.

Vị đại biểu nhận định quy định như vậy sẽ tạo sự chặt chẽ trong mức giá và bước giá, hạn chế thấp nhất việc bỏ công sức để tổ chức một cuộc đấu giá.

Một giải pháp nữa được ông Tạo đề cập, đó là với những tài sản đưa ra đấu giá có giá trị lớn, có thể nghiên cứu tiêu chí xác định về năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, hoặc phải được các tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh.

"Chúng ta đi du lịch một số nước trên thế giới, hồ sơ xin cấp visa, nhập cảnh vào quốc gia đó thì bản thân người xin visa phải chứng minh được thu nhập", ông Tạo ví von, đồng thời nói việc chứng minh năng lực tài chính của người tham gia đấu giá tuy khó nhưng hết sức cần thiết. Quy định này sẽ bảo đảm cuộc đấu giá hiệu quả, công khai, minh bạch, loại trừ dần hiện tượng "chân gỗ" hoặc "quân xanh, quân đỏ".

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, lấy ví dụ về các cuộc đấu giá biển số xe vừa rồi. "Họ trúng đấu giá rồi họ bỏ, sau đó mình đấu giá lại, họ lại tham gia đấu giá thấp hơn tiền lúc đầu họ đấu giá, mà chúng ta không có một biện pháp chế tài nào cụ thể", ông đặt vấn đề.

Vị đại biểu cho rằng, không chỉ tài sản có giá trị kinh tế cao, như khoáng sản và bất động sản, mà tất cả các loại tài sản khác khi đã trúng đấu giá thì phải mua loại tài sản đó. Nếu không mua thì phải bị chế tài, có thể nghiên cứu hình thức cấm không cho tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 1 năm chẳng hạn.

Đại biểu Quốc hội: Phải có chế tài với hành vi đấu giá 'vô tội vạ'- Ảnh 2.

Các đại biểu tại phiên thảo luận về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi

GIA HÂN

Quy định không rõ sẽ dẫn tới tùy tiện, "mất cán bộ"

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông, đề cập tới quy định tại dự thảo: người có tài sản đấu giá, có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô khi đưa ra đấu giá. Ông cho rằng quy định như vậy "rất không rõ ràng và rất dễ xảy ra tiêu cực".

Ông Giang phân tích, nếu tài sản đấu giá là của cá nhân thì không vấn đề gì, tức là người đó hoàn toàn có quyền bán sỉ hoặc bán buôn tài sản đấu giá.

Tuy nhiên, nếu tài sản đấu giá là tài sản của Nhà nước, mà trách nhiệm của người có tài sản ở đây là đại diện cho sở hữu của Nhà nước, sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện. Bởi lẽ, dự thảo không có quy định trường hợp nào thì gom, trường hợp nào thì đấu giá cả lô.

Ông Giang lấy ví dụ, luật này cho phép phân lô bán nền, nhưng luật kia thì yêu cầu phải đấu giá. Cuối cùng, người đại diện sở hữu tài sản của Nhà nước quyết định việc gom các lô đất bán thành một khối hoặc bán đấu giá từng lô một mà không có căn cứ gì. 

"Sẽ dẫn đến sự tùy tiện, rất dễ xảy ra tiêu cực và rất dễ mất cán bộ", ông Giang lưu ý.

Cho ý kiến đối với dự thảo luật, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, đoàn Hải Dương, đề cập đến một số cuộc đấu giá diễn ra trong thời gian dài. Khi đó, không chỉ đấu giá viên mà các nhân viên khác thuộc tổ chức đấu giá tài sản cũng phải tham gia phục vụ cuộc đấu giá.

Dự thảo luật có bổ sung quy định về người giúp việc, thế nhưng không quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm hay ít nhất là cũng giải thích từ ngữ về người giúp việc là gì.

Ông Hoàn cho rằng, thực tế trên sẽ dẫn đến các cuộc đấu giá có số lượng người giúp việc không đồng nhất, thao tác nghiệp vụ của họ cũng không rõ ràng. Có lúc người giúp việc thực hiện cả các thao tác của đấu giá viên, như tham gia kiểm phiếu, tự do đi lại, thậm chí trà trộn phiếu vào thùng phiếu…

"Đây là một kẽ hở, là khoảng trống pháp luật rất dễ bị các tổ chức đấu giá, các đấu giá viên, nhân viên khác lợi dụng để trục lợi", vị đại biểu lo ngại và đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người giúp việc trong đấu giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.