Dài cổ chờ nhà trẻ

17/10/2013 03:05 GMT+7

Vấn đề nhà trẻ cho con em công nhân đã đặt ra cấp thiết bao năm qua. Nhưng đến nay, công nhân vẫn phải tự bơi là chính.

Vấn đề nhà trẻ cho con em công nhân đã đặt ra cấp thiết bao năm qua. Nhưng đến nay, công nhân vẫn phải tự bơi là chính.

Dài cổ chờ nhà trẻ 1
Cơ sở 2 Trường mầm non Đồng Xanh - một điểm công lập hiếm hoi hoàn toàn nhận trẻ là con của công nhân KCN Hiệp Phước, H. Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: Thanh Lịch

Gánh nặng chuyện học của con

Một buổi chiều đầu tháng 10, tại khu lưu trú gần KCX Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi gặp những công nhân tất bật dắt con nhỏ trở về phòng trọ.

Căn phòng 12 m2 (có gác) là nơi trú ngụ của hai gia đình chị em Nguyễn Thị Phương và Nguyễn Thị Quỳnh, với tất thảy 6 nhân khẩu. Cả hai đều làm công nhân sản xuất phanh xe đạp, xe máy.

Chị Quỳnh cho biết con trai chị năm nay 4 tuổi, đang học Trường mầm non H.S. Mới vô năm học mới, chị “chóng mặt” với khoản tiền đóng cho con là 1.617.000 đồng (kể cả phí cơ sở vật chất). Còn những thời điểm khác ít nhất là 1,1 triệu đồng/tháng. Theo chị Quỳnh, lương của chị chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, khi nào tăng ca thì mới được hơn 4 triệu đồng/tháng. Thu nhập của người chồng làm tài xế có nhỉnh hơn chút đỉnh, song gia đình chị vẫn không thoát vòng luẩn quẩn “tháng này gối đầu tháng kia” với đủ khoản chi: tiền trọ, tiền ăn, học hành của con cái...

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Phương nửa mừng nửa lo khi mới đón đứa con là Trần Thị Uyên Nhi (gần 4 tuổi) từ ngoài miền Trung vào. Mấy năm trước, bé Nhi được gửi cho ông bà nội nuôi. Nay bé đã đến tuổi đến trường, ông bà già yếu, vợ chồng chị quyết định đưa con trở lại TP.HCM cho đi nhà trẻ.

Theo khảo sát của chúng tôi, mức học phí và tiền ăn của trẻ tại nhiều trường mầm non tư thục xung quanh những KCX, KCN hiện dao động từ 1,3 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/tháng/trẻ.

Dài cổ chờ nhà trẻ 2
Trẻ thất học đến lớp tình thương ban đêm ở P. Bình An, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Thanh Lịch

Không đưa con đến nhà trẻ, vợ chồng chị Hồ Thị Hà (quê Nghệ An) gửi đứa con trai 2 tuổi cho hàng xóm trông coi với khoản tiền là 900.000 đồng/tháng. Những hôm anh chị tăng ca thì đóng thêm 300.000 đồng/tháng. Trước đó, vợ chồng chị đã phải gửi đứa con gái lớn về nhà nội (ở tỉnh Hòa Bình) từ lúc cháu mới 12 tháng tuổi. Đến nay, bé đã lên 9 và đang học lớp 3 ở quê.

Theo ông Nguyễn Văn Sẹt, chủ nhà trọ khu lưu trú số 7 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức), khu lưu trú này có 70 phòng trọ, với khoảng 200 công nhân thuê. Trong số đó, có gần 20 phòng là những hộ gia đình có con nhỏ ở độ tuổi mầm non, với đa số là những hoàn cảnh rất khó khăn.

Là công nhân KCN Tân Thuận, TP.HCM, anh Đoàn Ngọc Long thường gửi đứa con 5 tuổi cho một trường mầm non ở P.Tân Thuận Đông, Q.7. Anh Long nói: “Mình nghe nói từ rất lâu là sẽ có trường mầm non dành cho con em công nhân làm việc tại các công ty trong KCN, nhưng sao chờ hoài không thấy? Nếu có trường như vậy, không những giảm chi phí cho công nhân mà còn giúp việc đưa đón con thuận tiện hơn, từ đó chúng tôi cũng an tâm làm việc”. 

Từ thất học đến lớp tình thương

Có đứa con đầu lòng 13 tháng tuổi, vợ chồng chị Võ Ngọc Lựa (quê Trà Vinh, công nhân thêu tại KCX Linh Trung) phải nhờ bà nội lên phòng trọ giữ tạm vài tháng. Chị Lựa thổ lộ: “Đợi đến khi bé khoảng 3 tuổi thì gửi về quê cho bà ngoại nuôi, vì ở đây tụi mình không có khả năng nuôi bé đi học. Học hành trên này tốn kém quá, hơn nữa tụi mình thường đi làm ca cũng khó trong việc đưa đón”.

Tình trạng trẻ em là con công nhân bị thất học, chủ yếu do không có điều kiện về kinh tế và không có những giấy tờ nhập học đang ngày càng trở nên phổ biến. Trước thực trạng này, một số địa phương mở những lớp học tình thương, nhằm hạn chế nguy cơ lêu lổng và mù chữ của các em. Chỉ tính riêng thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương - nơi có 6 KCN với hàng chục ngàn thanh niên công nhân - đã mở 4 lớp học tình thương ở các phường: Bình An, Tân Đông Hiệp, Bình Thắng và Đông Hòa. Các lớp học này giải quyết tạm thời tình trạng thất học cho khoảng 120 con em công nhân.

Anh Dương Thanh Quý, phụ trách lớp học tình thương khu phố Tân An, P.Tân Đông Hiệp, tâm tình: “Tổng số trẻ trong lớp này khoảng 40 em, phần lớn là con em công nhân. Trong đó, chiếm hơn 50% là trẻ quá tuổi đến trường, trước giờ chưa từng đi mẫu giáo. Có những em 10 tuổi, thậm chí 12 - 13 tuổi, nhưng mới bắt đầu biết đến con chữ từ khi tham gia lớp học tình thương”.

Suốt 7 năm đeo bám lớp học tình thương Bình Thung 1 (miếu Bà ấp Thượng, khu phố Châu Thới, P. Bình An), anh Nguyễn Văn Bình cho hay từ 25 em ban đầu, sĩ số lớp bây giờ đã tăng lên 55 em. Dù lớp mở rộng quy mô như vậy, ngoài niềm vui là điểm tựa cho những trẻ thất học, anh Bình không khỏi ưu tư: “Lúc trước, mình chỉ định giúp các em một thời gian vì nghĩ rằng sau vài năm sẽ lập gia đình và buông thôi. Nhưng hoàn cảnh này tiếp nối hoàn cảnh kia, các em này tiếp nối các em kia, đâm ra có cái gì đó không thể ngưng được”.

Việc xuất hiện nhiều lớp học tình thương không thể là điều đáng mừng. Chúng tôi hỏi những người trực tiếp điều hành: “Có bao giờ các anh muốn những lớp học như vậy… biến mất, và các em này có cơ hội đến trường bình thường như bao trẻ khác?”. Anh Nguyễn Văn Bình thẳng thắn: “Đây là điều tôi đắn đo từ rất lâu rồi. Chính xác là từ năm 2009, tôi đã có suy nghĩ: Địa phương đặt ra chỉ tiêu bắt buộc tất cả con em trên địa bàn phải được đi học và không có trường hợp nào phải bị thất học. Thế thì tại sao những em ở đây không có hộ khẩu, các em phải ở trọ, mà lại không có chính sách nào để đảm bảo cho các em đi học, để các em phải đến lớp học tình thương? Mình cũng trăn trở và hỏi rất nhiều nhưng không có câu trả lời nào xác đáng, chính thức để giải quyết vấn đề này”.

Như Lịch - Lê Thanh 

>> Bất an với những nhà trẻ không phép
>> Bé trai 15 tháng tuổi chết tại nhà trẻ
>> Trường công lập “bỏ rơi” bé độ tuổi nhà trẻ
>> Đánh nhau ở nhà trẻ
>> Nhà trẻ tự cung cấp điện
>> Đi nhà trẻ sớm, bé ít bị hen 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.