Bắc Kinh tái phong tỏa một phần
Chính quyền quận Phong Đài ở TP.Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 13.6 thiết lập “chế độ khẩn cấp thời chiến” và lập tổ chỉ huy đặc biệt để ứng phó với đợt bùng phát mới ở chợ bán sỉ rau củ quả và thịt Tân Phát Địa.
Sau gần 2 tháng không có ca nhiễm nào, Bắc Kinh ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên vào ngày 11.6 và 6 ca nữa trong ngày tiếp theo. Cả 7 người này đều là lao động hoặc có đến chợ Tân Phát Địa trong thời gian gần đây, theo Hoàn Cầu thời báo. Đáng chú ý, không ai trong số này rời khỏi Bắc Kinh trong 2 tuần qua và cũng không có tiếp xúc nào với người nước ngoài hoặc người từ tỉnh tâm dịch Hồ Bắc.
Tính đến sáng qua, nhà chức trách đã cho đóng cửa 6 chợ bán sỉ trong thành phố và khử khuẩn chợ Tân Phát Địa cùng một chợ hải sản gần đó. Nhiều chuỗi siêu thị trong thành phố ngừng bán cá hồi sau khi mẫu vi rút gây Covid-19 được phát hiện trên những tấm thớt làm cá hồi tại chợ Tân Phát Địa. Cơ quan y tế cũng bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm của khoảng 10.000 người có liên quan đến ngôi chợ, trong đó bước đầu phát hiện 46/517 mẫu xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trong số 46 người, có một trường hợp là lao động tại khu chợ ở quận Hải Điến nhưng có tiếp xúc gần với bệnh nhân ở Phong Đài.
Theo Tân Hoa xã, chính quyền Phong Đài đã phong tỏa 11 khu dân cư gần chợ Tân Phát Địa, đóng cửa 9 trường học xung quanh đó. Trong khi đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh thông báo sẽ xét nghiệm với tất cả những người từng đến chợ Tân Phát Địa từ ngày 30.5, đồng thời ra lệnh hủy toàn bộ hoạt động du lịch liên tỉnh, thể thao... Kế hoạch tái mở cửa các trường tiểu học trong thành phố từ ngày 15.6 cũng bị dời lại.
Châu Mỹ ảnh hưởng nặng nhất
Trong cuộc họp báo hôm qua, chuyên gia Mike Ryan thuộc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng châu Mỹ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 và tình hình ngày càng đáng lo ngại do các nước bắt đầu tái mở cửa, theo Reuters.
Tính đến tối qua, châu lục này có 3 nước nằm trong tốp 10 nước có số người tử vong nhiều nhất (Mỹ, Brazil và Mexico). Đáng chú ý, Brazil ngày 13.6 vượt qua Anh, trở thành nước có số ca tử vong nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ. Tính đến hôm qua, Brazil có hơn 828.000 ca nhiễm, trong đó hơn 41.800 ca tử vong.
Tại Mỹ, hơn 10 tiểu bang ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày tăng ở mức kỷ lục trong tuần qua trong bối cảnh việc tái mở cửa được tiến hành. Giới chuyên gia thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm qua cảnh báo đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa từng thấy và vẫn chưa chấm dứt. Ông Jay Butler, Phó giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm của CDC, nói nếu số ca nhiễm mới tăng đáng kể, nhà chức trách có thể thi hành lại các biện pháp phong tỏa ngăn dịch như hồi tháng 3, theo Reuters.
Hiện có hai luồng ý kiến trong giới chức Mỹ về việc tái mở cửa. Trong đó, lãnh đạo một số bang như Bắc Carolina hay Texas nhấn mạnh sẽ tiếp tục kế hoạch, còn một số bang khác như Oregon hay Utah tạm hoãn việc mở cửa để đánh giá thêm. Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow hôm qua tuyên bố không có làn sóng thứ hai và không có tình trạng khẩn cấp. Trả lời phỏng vấn Đài Fox News, ông Kudlow thừa nhận số ca nhiễm tăng nhẹ ở một vài nơi, nhưng trên bình diện cả nước thì mức tăng không đáng kể, đồng thời khẳng định chính quyền sẽ không đóng cửa nền kinh tế.
Số ca nhiễm mới tăng kỷ lục tại Ấn Độ
Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ hôm qua thông báo có thêm 11.458 ca Covid-19 trong ngày 12.6, nâng tổng số bệnh nhân tại quốc gia tỉ dân này lên hơn 308.000 người. Với số ca nhiễm mới, Ấn Độ cũng vượt qua Anh, trở thành nước có nhiều ca nhiễm thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Nga. Trong tổng số ca bệnh, có 8.884 người tử vong và hơn 154.000 người hồi phục. Theo Reuters, bang bị ảnh hưởng nặng nhất là Maharashtra ở miền tây với hơn 100.000 ca nhiễm.
|
Bình luận (0)