Ngày 6.5, tại hội nghị quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế lần 2, hướng tới mạng lưới bác sĩ gia đình thông minh, do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tổ chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chia sẻ rằng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy những lỗ hổng, sự kém hiệu quả trong hệ thống y tế cơ sở của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó là khi ca bệnh gia tăng, nguồn lực chăm sóc, điều trị bị thiếu.
Đại dịch Covid-19 làm lộ ra điểm yếu của y tế cơ sở |
DUY TÍNH |
Theo ông Tuấn, y tế Việt Nam có những khó khăn và tồn tại. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng, nhưng có những nhu cầu chưa được đáp ứng. Chúng ta tự hào đạt chỉ số sức khỏe tuổi thọ cao, nhưng khả năng đáp ứng lại hạn chế. Một số tổ chức quốc tế ví von: Tốc độ gia tăng già hóa dân số Việt Nam như một cơn sóng bạc đầu.
“Việt Nam khác với các nước ở chỗ: Người ta giàu trước khi già, còn người Việt Nam già trước khi giàu. Đây là việc rất nặng nề đối với người cao tuổi”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, ngoài Bệnh viện Lão khoa Trung ương và một số khoa lão ở các bệnh viện khác, cộng đồng rất yếu về chăm sóc cho người cao tuổi.
Điều này, theo ông Tuấn, đòi hỏi phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, phát triển bác sĩ gia đình, tăng chế độ phụ cấp và cải cách tiền lương cho nhân viên y tế cơ sở. Áp dụng khám, chữa bệnh từ xa; tăng sức hấp dẫn cho y tế cơ sở bằng việc mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và danh mục thuốc. Trong đó, theo ông Tuấn, cần thay đổi vị trí của y tế cơ sở từ “tuyến dưới” trở thành “trung tâm” với vai trò “gác cổng”.
Gần 10 triệu người chết liên quan Covid-19 không được ghi nhận |
Nâng cao năng lực y tế cơ sở
Đồng quan điểm, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, thấy được những lỗ hổng qua đại dịch Covid-19, TP.HCM đã có những chính sách để “bịt” lỗ hổng. Trong đó, nâng cao năng lực y tế cơ sở được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm mang tầm chiến lược của ngành y tế. TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh; đầu tư mới và phát huy nguồn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có; phát triển nguồn nhân lực và phát huy nguồn lực y tế sẵn có.
PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, trong đầu tư về nguồn lực, TP.HCM đã đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về thực hành 18 tháng, hỗ trợ cho phí sinh hoạt 60 triệu đồng và miễn phí thực hành; ký kết với bác sĩ về hưu, y tá… làm việc tại y tế cơ sở và ngân sách trả lương; tăng phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở đang làm việc…
Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh công lập của Việt Nam hiện nay có 39 bệnh viện tuyến Trung ương và trực thuộc Bộ Y tế; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành và khoảng 11.000 trạm y tế. Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân gồm có 231 bệnh viện và 35.000 phòng khám.
Bình luận (0)