TP.HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Duy Tính
Duy Tính
05/05/2022 06:08 GMT+7

Hôm qua 4.5, Sở Y tế TP.HCM đưa ra cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Đây là cảnh báo lần thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng qua.

Gần 4.500 ca mắc, 4 ca tử vong

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm đến giữa tháng 4.2022, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện (BV). Có 4 ca SXH tử vong trên địa bàn TP.HCM, trong đó 3 trẻ em và 1 người lớn, hầu hết đều nhập viện trễ.

Mùa mưa là thời điểm số ca sốt xuất huyết gia tăng

Ngọc Dương

TP.HCM cảnh báo dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Trước tình hình gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch năm 2022, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng Thành phố khẩn trương triển khai tập huấn lại về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Ngành y tế TP.HCM tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng để kịp thời có những biện pháp can thiệp phù hợp.

PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của SXH, một loại dịch bệnh đặc hữu của TP.HCM và các tỉnh khu vực phía nam. Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch năm 2022, ông Trung dự báo bệnh SXH sẽ rất phức tạp và ngành y tế TP.HCM cần hành động ngay với mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Còn theo PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV Nhi đồng 1), năm nay mùa mưa đến sớm, số ca SXH tăng so với cùng kỳ năm 2021 và chu kỳ 3 - 4 năm dịch SXH sẽ tăng, nên năm nay phải cảnh giác với bệnh SXH khi vào mùa mưa.

Còn tâm lý sợ Covid-19 nên ngại đưa trẻ đi khám?

PGS-TS Phạm Văn Quang cho biết thêm, trong 3 tháng đầu năm, số ca SXH đến khám và nhập viện Nhi đồng 1 tăng 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hai tuần đầu tháng 4, số ca nhập viện cũng tăng, nhất là các trường hợp SXH nặng. Từ đầu năm đến nay, tại BV đã có 2.554 ca đến khám, 852 ca nhập viện và 157 ca sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở ngưng tim trước nhập viện. Đã có 5 ca SXH tử vong khi đến BV Nhi đồng 1, trong đó 4 ca ở các tỉnh và 1 ca ở TP.HCM. “Các trường hợp nặng đa số do nhập viện trễ. Có thể do dịch Covid-19 mà người dân quên đi SXH là bệnh lý nguy hiểm thường gặp. Ngoài ra tâm lý còn sợ Covid-19 nên các phụ huynh ngại đưa trẻ đến khám tại BV”, ông Quang nói.

PGS-TS Phạm Văn Quang khuyến cáo các dấu hiệu nhận biết SXH: Sốt cao 2 - 7 ngày, xuất hiện chấm xuất huyết ở da thường ở cẳng tay, cẳng chân, chảy máu răng, máu mũi. Khi trở nặng thì đau bụng nhiều, trụy tim mạch với tay chân lạnh, nôn ra máu, tiêu phân đen. Đối với trẻ em, chăm sóc ở nhà: Cho uống thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt, không dùng hạ sốt ibuprofen do nguy cơ xuất huyết dạ dày trên bệnh SXH. Uống nhiều nước. Tái khám mỗi ngày theo y lệnh bác sĩ. Nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tay chân mát, tiểu ít, xuất huyết tiêu hóa... “Tuyệt đối không truyền dịch tại nhà hoặc các phòng khám tư vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc quá tải dịch khi bệnh SXH trở nặng, tăng biến chứng và khó khăn cho công tác điều trị tại BV”, ông Quang lưu ý.

Sở Y tế kêu gọi mỗi người dân, gia đình, cơ quan thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng SXH. Theo đó, dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.