Có thông tin là ông đã có văn bản ngày 6.10 để góp ý về quy chế quản lý di tích nhà Vương (còn gọi là dinh thự Vua Mèo). Trước đó, đã có cuộc họp bàn ngày 23.8 và ông cũng đã ký biên bản đồng ý với việc tỷ lệ tiền gia đình nhận được là 14%?
Ông Vương Duy Bảo, đại diện dòng họ Vương: Vì quy chế đang bàn thảo nên tôi không nói cụ thể. Mọi việc về quy chế mới là đang bàn thảo thôi. Nhưng văn bản tháng 8 vừa tôi, tỉnh có nói là giao cho gia đình tự quản lý bảo vệ, việc bán vé thu tiền thực hiện theo phí và lệ phí cơ mà. Chỉ đạo rõ, tại sao huyện lại lùng nhùng.
Vậy là gia đình họ Vương muốn tự quản lý di tích dinh thự Vua Mèo phải không?
Gia đình tôi thừa sức quản lý. Từ những năm 1945 đến năm 2005 chúng tôi không tự quản lý à. Cái đó đúng với luật, chúng tôi đang sở hữu, không thể tước quyền đó của chúng tôi.
Chính xác nguyện vọng của gia đình ông bây giờ là gì?Hiện tại gia đình ông đã nắm sổ đỏ của dinh thự họ Vương. Quyền sở hữu đã được công nhận rồi cơ mà.
Nhưng họ đã bàn giao nhà cho tôi đâu.
Tức là ông muốn nhận lại nhà Vương phải không?
Hãy trả lại quyền sở hữu thật sự cho chúng tôi. Theo luật dân sự, chúng tôi có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Tôi muốn giải tán Ban quản lý di tích. Bộ máy quản lý chúng tôi sẽ tự thành lập.
Nếu giải tán Ban quản lý di tích, gia đình tự tổ chức quản lý, thì sẽ không phát sinh chuyện phải đàm phán tỷ lệ tiền bán vé nữa phải không?
Nói thế cũng gần đúng. Di tích này chịu chi phối của luật di sản. Thì khi bán vé tôi phải lấy vé của nhà nước chứ. Tôi lấy vé tài chính để bán, thanh quyết toán trên cơ sở vé đó. Bao nhiêu nộp thuế cho nhà nước, tích cóp một khoản để nay mai trùng tu sửa chữa nhà, chứ nhà nước không đánh thuế di sản. Khoản này gửi vào ngân sách nhà nước để nay mai trùng tu lớn thì lấy tiền đó ra làm trùng tu.
Còn bảo dưỡng, tu sửa nhỏ hàng năm tôi sẽ lấy tiền bán vé ra tôi làm. Đỡ cho nhà nước chứ. Giảm ngân sách cho nhà nước mà lại là thực sự trả quyền làm chủ.
Trong quy chế mà ông muốn, nhà nước có tham gia quản lý nhà Vương cùng với gia đình ông không?
Không. Nhà nước làm vai trò nhà nước thôi. Tôi quản lý tôi bảo vệ của tôi. Anh chỉ giúp tôi vấn đề an ninh trật tự thôi chứ, sao lại can thiệp việc của tôi. Chẳng hạn, đấy là tài sản lớn, du khách đến thăm nhiều thì ông phải giúp tôi an ninh trật tự chứ.
Cụ thể theo ông, chính quyền phải giúp ông điều gì?
Thì di tích đông người tới, chính quyền phải cử công an xuống xem, giữ an ninh trật tự, đừng có để lộn xộn, đừng để bãi gửi xe chứ. Tôi chỉ quản lý di tích trong khu vực 1,2 thôi. Còn ngoài ra thì chính quyền phải phụ trách quản lý trật tự. Bình thường chính quyền phải có trách nhiệm với an ninh trật tự, đây là di tích quốc gia chính quyền còn phải trách nhiệm hơn nữa.
Mà trong khu vực nhà tôi thì cũng phải phối hợp với tôi để bảo vệ nữa. Di tích quốc gia thì nó là như thế. Nếu đó không phải di tích quốc gia, không có khách đến thì tự tôi chịu. Còn nếu di tích quốc gia nên có khách đến thì anh phải chịu trách nhiệm cùng với tôi chứ. Thế nhà nước công nhận tôi là di tích quốc gia, anh không có trách nhiệm gì à, khoán trắng à.
UBND huyện Đồng Văn vừa văn bản báo cáo kết quả buổi làm việc với dòng họ Vương liên quan di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Văn bản được đưa ra dựa trên thống nhất của các bên trong buổi làm việc giữa tổ công tác huyện với đại diện gia đình họ Vương là ông Vương Duy Bảo, ông Vương Quỳnh Sèo cùng 2 luật sư của họ vào ngày 23.8 mới đây.
Theo đó, chủ thể quản lý nhà nước đối với nhà Vương (còn gọi là dinh thự vua Mèo) vẫn là Ban quản lý và danh thắng, theo Quyết định số 3395 ngày 27.12.2018 của UBND huyện Đồng Văn.
Về kinh phí nguồn thu, tiền thu được từ di tích nhà Vương sẽ nộp 30% vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành. Số tiền 70% còn lại phân bổ theo phương án: chủ sở hữu dòng họ Vương 20% (bằng 14% tổng số nguồn thu), 80% để chi cho hoạt động sửa chữa nhỏ, tổ quản lý và hoạt động duy tu bảo dưỡng.
|
Bình luận (0)