Trong những ngày qua, cả nước cùng hướng về đồng bào Quảng Ninh đang chống chọi với những trận mưa, lũ kinh hoàng suốt 40 năm qua chưa xảy ra trên đất mỏ. 3.700 nhà dân, nhiều trường học, bệnh xá cơ sở bị tàn phá và đã có 18 người bị thiệt mạng. Tổng số tài sản bị thiệt hại sơ bộ đã lên tới 2.700 tỉ đồng.
Cảnh sụt lở đất ở TP. Hạ Long sau mư lũ - Ảnh: Hải Sâm
|
Hưởng ứng lời kêu gọi cùng chung tay góp sức của Đảng bộ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, nhiều tổ chức xã hội, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và cả nước đã vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn. Doanh nhân Đào Hồng Tuyển, nhiều người quen gọi ông là "Chúa đảo Tuần Châu", đã đi đầu trong đợt vận động bằng cách cho đấu giá chiếc "siêu xe" Rolls-Royce Phantom lấy tiền giúp đồng bào. Ngoài chiếc xe định giá khởi điểm là 16 tỷ đồng nói trên, ông còn ủng hộ 2 tỷ đồng tiền mặt cho Quỹ cứu trợ của địa phương. Chiếc xe được ông sử dụng đã mấy năm nay, khi nhập về, tính cả thuế cũng trên ba chục tỷ và nó từng được coi như chiếc xe thuộc dòng xe này đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Không dừng lại ở chuyện tặng "siêu xe", khi được tin đêm 31.7 thành phố Hạ Long sẽ có trận mưa rất to, có nguy cơ gây sạt lở, ông Tuyển đã gửi công văn tới chính quyền địa phương đề nghị phục vụ miễn phí nhân dân bằng 1.000 phòng ngủ khách sạn 3-4 sao, có hệ thống nhà ăn, điện nước sinh hoạt đầy đủ đáp ứng nhu cầu ăn ở của 10.000 người.
Có người cho rằng với doanh nhân Đào Hồng Tuyển, việc ông ủng hộ như trên đâu có gì phải ca ngợi nhiều bởi cơ ngơi đảo du lịch Tuần Châu hôm nay hoành tráng cũng là do ông được mảnh đất này ưu ái. Điều này quả là không sai. Ông Đào Hồng Tuyển, cách đây 4-5 năm, trong một lần đưa tôi đi thăm hòn đảo cũng thổ lộ rất thật lòng rằng sở dĩ có được cơ ngơi này là nhờ trời phú khiến ông được hưởng lộc chính từ Vịnh Hạ Long huyền ảo. Tuy nhiên, ông bảo, khi mới khởi công làm con đường nối từ đất liền ra đảo Tuần Châu, nhiều người bất ngờ và chưa tin ông sẽ thành công. Khi đó, ông đâu có trường vốn như sau này. Có cái Tết Nguyên đán, ông còn không có nổi tiền trả công cho công nhân về nhà. Để làm yên lòng họ, ông buộc phải ngủ đêm nơi đây cùng người lao động như để mong được họ chia sẻ, không nỡ trách ông.
Các đoàn xe cứu trợ liên tục đổ về các vùng ngập lụt để trao quà hỗ trợ, động viên người dân - Ảnh: Phan Hậu
|
Vào tháng 9 này, Tuần Châu sẽ chính thức khai trương khu âu tầu nhân tạo ngoài biển thuộc loại lớn nhất thế giới với sức chứa hàng ngàn chiếc. Tôi nghĩ, bằng sự đầu tư cả tỷ đô la như thế, chắc ông Tuyển khó tránh được phải vay ngân hàng. Cái đáng trân trọng ở doanh nhân ấy chính là ông vẫn luôn nhớ đến người dân Quảng Ninh, bệ đỡ cho ông có được như bây giờ. Một "thổ công" đất mỏ và cũng là người có chức vị xã hội ở tỉnh này cho tôi biết, “trong số những nhà đầu tư đến với Quảng Ninh vài chục năm trước, không phải doanh nhân nào cũng vậy đâu, dù họ cũng rất giầu có nhờ mảnh đất này và họ được hưởng "lộc" trời giống như ông Đào Hồng Tuyển".
Tôi còn nhớ, có lần cách đây hàng chục năm, trong một lần tổ chức đấu giá một bức tranh do học sinh trường THCS Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội vẽ, ông Tuyển có tham gia đấu giá. Đến lúc gần kết thúc, chỉ còn 2 người, ông xin dừng không tiếp tục mà xin dừng lại nhường cho "đối thủ", nhưng xin được ủng hộ số tiền 600 triệu đồng mà ông đã phát đến lúc đó. Như vậy, quỹ nọ được gấp đôi số tiền dự kiến ban đầu.
Thảm hoạ sóng thần bên đất nước Nhật Bản xa xôi hồi tháng 3.2011, ông là doanh nhân duy nhất của Việt Nam đóng góp 1 triệu đô la cho nhân dân Nhật Bản khắc phục thảm hoạ. Tôi nhớ hồi đó, không có ai ngoài ông đóng góp số tiền quá lớn như vậy. Đó là tấm lòng của một doanh nhân có tâm và nặng lòng với đời chứ đâu chỉ với Quảng Ninh như có ai đó đánh giá.
Khi giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, ông Tuyển đã chủ động xin tặng ngôi biệt thự ven biển trị giá 3 triệu đô la cho giáo sư như một sự trân trọng, yêu quý một nhà khoa học đã làm rạng danh cho đất nước Việt Nam. Là một nhà khoa học không màng danh lợi. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng cám ơn ông "Chúa đảo" không nhận làm tài sản của riêng mình. Ông Tuyển cũng vui lòng chấp nhận để rồi hôm nay, nó được trở thành “Vườn ươm tài năng của toán học Việt Nam". Hằng năm, nơi đây đón nhận biết bao nhà khoa học ở trong và ngoài nước và học sinh giỏi toán Việt Nam ra nghỉ dưỡng, giao lưu và hội thảo...
Qua bài viết này, tôi chỉ mong đất nước mình sẽ có nhiều người có tấm lòng như doanh nhân Đào Hồng Tuyển. Những chiếc "siêu xe" lâu nay xuất hiện trên đường, nhiều người dân thấy lạ cũng hay có thói quen ngắm nhìn, thậm chí tỏ vẻ kính nể chủ nhân của nó. Điều này cũng là lẽ thường. Song, giá như những doanh nhân nói trên có thêm tấm lòng với đồng bào mình đang gặp hoạn nạn, thiên tai và sẵn lòng tìm cách giúp đỡ họ thì thật đáng quý biết bao ! Đất nước còn nghèo như Việt Nam, tất nhiên càng rất cần nhiều người như thế.
Bình luận (0)