Đại học Việt Nam 'gặp khó' trong hội nhập quốc tế

08/06/2014 15:37 GMT+7

(TNO) Ngày 8.6, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo "Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam" với sự tham dự của đại diện nhiều trường đại học trong và ngoài nước.

(TNO) Ngày 8.6, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo "Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam" với sự tham dự của đại diện nhiều trường đại học trong và ngoài nước.


Sinh viên cử nhân tài năng Đại học Quốc gia TP.HCM trong giờ học - Ảnh: Hà Ánh

Ngay đầu hội nghị, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã nêu lên nhiều thách thức của giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Ông Ga cho rằng, khó khăn phải kể đến đầu tiên là nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp, chi phí đơn vị trên mỗi sinh viên bình quân mỗi năm chưa tới 500 USD. Con số này so với các nước trong khu vực còn quá khiêm tốn, dẫn tới nhiều hệ lụy trong việc tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của sinh viên.

Cũng theo ông Ga, do giảng viên phải thực hiện khối lượng giảng dạy lớn, không còn thời gian chăm lo cho công tác nghiên cứu khoa học nên hoạt động này trong các trường đại học rất hạn chế. “Chính vì không được “nhúng” trong môi trường nghiên cứu khoa học và sáng tạo nên sinh viên ra trường thua kém sinh viên quốc tế về sự nhạy bén, tính thích nghi vào môi trường công tác”, ông Ga nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, nêu lên một lý do rất thực tế: “Ngoại ngữ là công cụ quan trọng để các nhà khoa học tiếp cận thông tin, giao lưu và hội nhập quốc tế. Nhưng, trình độ ngoại ngữ của giảng viên các trường đại học Việt Nam, nhất là tiếng Anh còn hạn chế khiến quá trình hội nhập gặp phải rào cản lớn”.

Mặt khác, tiến sĩ Huệ còn cho rằng, chính môi trường làm việc chưa thật thuận lợi, việc sử dụng lao động và người tài còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám. Điều này là thách thức lớn với việc xây dựng một đội ngũ nhà giáo có chất lượng cao của các trường đại học.

Bằng một cách nhìn khác, ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội cho chính quyền bang Massachusetts (Mỹ), nói: “Số lượng trường cao đẳng, đại học tại các địa phương tăng nhanh trong khi nguồn lực giảng dạy tại chỗ còn quá hạn hẹp đã tạo ra nhiều bất cập. Đáng nói là chất lượng giảng viên của các địa bàn xa trung tâm rất kém, chỉ có 11% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 47% giảng viên trình độ thạc sĩ và tới 42% giảng viên còn lại có trình độ cử nhân tham gia giảng dạy”.

Từ rất nhiều những khó khăn trên, các chuyên gia nhấn mạnh hạn chế dễ thấy nhất của đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập là chưa thu hút được nhiều sinh viên quốc tế đến học tập.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Thắng, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết từ năm 2006-2011 trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ thu hút chưa tới 400 sinh viên các nước đến theo học.

Trong khi đó, trong bài phát biểu kinh nghiệm của mình, GS.TS Tan Eng Chye, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Singapore nêu bật: “Thành công rất lớn của Đại học Quốc gia Singapore trong hội nhập quốc tế thể hiện bằng số lượng sinh viên quốc tế đến theo học tại đại học này lên tới 20% trong số 37.100 sinh viên theo học năm 2013”.

Chốt lại vấn đề, GS-TSKH Bùi Văn Ga, đề nghị để đẩy nhanh tốc độ hội nhập quốc tế các trường cần chủ động tạo mọi điều kiện cần thiết để trao đổi sinh viên và giảng viên, tăng cường trao đổi học thuật với các nước trong khu vực và quốc tế. Về phần mình, Bộ đang phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương xây dựng khung trình độ quốc gia, hoàn thiện nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, có chính sách thu hút các nhà khoa học, giảng viên ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam…

Hà Ánh

>> Giáo dục đại học theo chương trình khai phóng
>> 150 triệu USD phát triển giáo dục đại học và mầm non
>> Khuynh hướng giáo dục đại học năm 2013
>> Nhiều thay đổi trong giáo dục đại học
>> Công bố nhiều dự thảo quy định mới về giáo dục đại học
>> Chú trọng chất lượng giáo dục đại học 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.