Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong một thời điểm lịch sử, nhiều thành công, nhiều điểm sáng nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức... Vì vậy, trong Diễn văn khai mạc mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày sáng 26.1 đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Theo Thủ tướng, đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều thành quả rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Đồng thời, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh Đại hội XIII có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 mà cho cả những thập niên tới, cho những thế hệ tương lai của đất nước. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đổi mới, hội nhập và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Đồng thời, đại hội kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII...
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội XIII thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Cùng những định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”, Thủ tướng trình bày.
Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” Các dự thảo văn kiện trình đại hội, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị, là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Báo cáo Chính trị đã đề cập toàn diện các lĩnh vực với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới. Đặc biệt, Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng sẽ được tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và công tác cán bộ. Trong đó, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", vì vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ quản lý các cấp phải đủ về trình độ, uy tín và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Đại biểu Dương Văn Thái (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang)
|
Nhân dân đặt niềm tin rất lớnQuá trình Đảng ta chuẩn bị tổ chức đại hội rất công phu, kỹ lưỡng và chu đáo, trong đó có việc chuẩn bị các văn kiện đại hội. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt niềm tin rất lớn, kỳ vọng rất cao vào những quyết sách của đại hội lần này để xây dựng đất nước. Chúng tôi cho rằng, với những nội dung đã được trình bày trong các dự thảo văn kiện trình đại hội đã đặt ra rất nhiều những nội dung mới, những khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phát triển của chúng ta từ nay đến năm 2030 cũng như đến giữa thế kỷ này.
Theo tôi, những nội dung trong dự thảo nghị quyết lần này đã thể chế rõ ràng hơn việc xây dựng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đây là quan điểm hết sức đúng đắn và bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. Về hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và kinh tế tổng hợp của đất nước, chúng tôi thấy rằng những nội dung đó đã được thể chế vào trong những nội dung cụ thể của nghị quyết, để từ đó tạo ra cơ sở cho chúng ta thể chế hóa thành các chính sách pháp luật cũng như là quá trình tổ chức triển khai thực hiện có kết quả.
Đại biểu Lê Đức Thọ (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank - Đoàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư)
|
Đánh giá cao khát vọng xây dựng đất nước Đoàn đại biểu Hà Tĩnh quan tâm nhất và đánh giá cao khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, lấy dân tộc, nhân dân làm điểm nhấn để thể hiện khát vọng vươn lên, thể hiện tinh thần, lòng tự tôn dân tộc, phát huy tiềm năng xây dựng đất nước. Đặc biệt, văn kiện đại hội đã quan tâm đến công tác xây dựng nông thôn, coi trọng nông dân, nông nghiệp. Đây cũng là điểm mà Hà Tĩnh quan tâm trong xây dựng, phát triển địa phương giàu mạnh. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi cũng đã thể hiện tinh thần khát vọng xây dựng kinh tế - xã hội ở 3 điểm lớn, trong đó coi trọng phát triển nông nghiệp phục vụ công nghiệp, phát triển kinh tế bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân...
Đại biểu Đặng Ngọc Sơn (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh)
|
Văn kiện là văn bản “gốc” và phải mở được đường Đọc dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII lần này, tôi cảm thấy tự tin và “máu lửa” hơn. Văn kiện là văn bản “gốc” và phải mở được đường. Chẳng hạn, Bộ KH-ĐT mong muốn đột phá hơn nữa về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì rõ ràng văn kiện phải được thể hiện. Nếu điều đó không có trong văn kiện thì sẽ rất khó làm, thậm chí còn không dám làm, vì chưa được mở đường. Do đó, các dự thảo văn kiện trình đại hội và được xem xét thông qua có ý nghĩa quan trọng trong việc mở đường thực hiện các mục tiêu lớn lao đã đặt ra. Nếu việc mở đường tốt thì 3 điểm mốc như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập trong bài phát biểu là đến năm 2025, chúng ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, chính là các mục tiêu để chúng ta phấn đấu, quyết tâm, nỗ lực thực hiện và hoàn toàn có thể đạt được.
Ông Trần Quốc Phương (Thứ trưởng Bộ KH-ĐT)
|
Không lý gì không vượt qua được thách thứcTrong ngày khai mạc Đại hội XIII, chúng ta đã nghe Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo về các văn kiện trình đại hội và thảo luận tại đoàn vào buổi chiều. Đoàn TP.HCM rút ra được nhiều điều thú vị. Đó là qua tổng kết nhiệm kỳ và cả giai đoạn Đổi mới, T.Ư nhận thấy kinh tế dân doanh có giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững trong khi kinh tế nhà nước đã có lúc không giữ được vai trò dẫn dắt. Do vậy, sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cấp thiết để làm sao chuyển kinh tế đất nước chúng ta sang một giai đoạn mới, một thời kỳ hội nhập sâu, một kinh tế số một xã hội số và kinh tế chia sẻ. Tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức thuận lợi trong bối cảnh cách mạng 4.0 để tạo cho kinh tế nước ta có bước phát triển mới hơn.
Một điểm thú vị nữa mà báo cáo của T.Ư đặt ra là chúng ta phát huy lấy dân làm gốc. Từ khi thực hiện đổi mới chúng ta đã nói tới phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng lần này T.Ư phát triển tiếp về mặt tư duy đó là dân giám sát, nhất là dân thụ hưởng, dân phản biện. Tôi nghĩ rằng trong một văn kiện tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân được hòa quện trên một nguyên lý hết sức khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin thì không lý gì một chính Đảng dẫn dắt một dân tộc mà không thể vượt qua được thách thức.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)
Anh Vũ - Lê Hiệp (ghi)
|
Bình luận (0)