Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Tự chủ kinh tế, vươn tầm thế giới

29/01/2021 06:35 GMT+7

Các đại biểu cho rằng, muốn vươn tầm thế giới , bay cao, bay xa thì cần phải tự chủ, độc lập về kinh tế; bên cạnh đó tiếp tục đổi mới, xem chuyển đổi số là mũi nhọn đột phá...

Góp ý cho các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng ngày 28.1, các đại biểu cho rằng, muốn vươn tầm thế giới, bay cao, bay xa thì cần phải tự chủ, độc lập về kinh tế; bên cạnh đó tiếp tục đổi mới, xem chuyển đổi số là mũi nhọn đột phá; hình thành các tập đoàn lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thanh Niên trích đăng một số ý kiến trong các bài tham luận tại đại hội.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Nâng vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

       Ảnh: Gia Hân
Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Cụ thể, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN; đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nhóm ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và chỉ còn 5,55% vào năm 2020). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%. Xét cả giai đoạn 2011 - 2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 14,27% năm 2016; 16,48% vào năm 2019 và đạt khoảng 16,7% vào năm 2020).
Để có thể tận dụng được thời cơ, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: “Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định”. Theo đó, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước, các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn. Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.
Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn: Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, tạo điều kiện cho thanh niên

       Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Trong thời gian qua, những nỗ lực, cố gắng của tổ chức Đoàn đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn không khỏi trăn trở trước một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong thế hệ trẻ hiện nay. Cụ thể: một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên có xu hướng giảm, song vẫn diễn biến phức tạp; hiện tượng xâm hại, bạo hành trẻ em còn xảy ra ở mức độ đáng báo động.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát huy quyền tham gia của trẻ em và lắng nghe ý kiến của thanh niên. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trân trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp định kỳ, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, tin tưởng giao nhiệm vụ, tạo điều kiện, cổ vũ, động viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thông qua các diễn đàn do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trân trọng đề nghị Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, bố trí quỹ đất, xây dựng, nâng cấp và phát huy có hiệu quả các thiết chế phục vụ hoạt động học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí bổ ích cho thanh thiếu nhi, đặc biệt là hệ thống cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là động lực chính để Việt Nam vươn lên

       Ảnh: Gia Hân
Phát triển đồng bộ cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu trên, trước hết Việt Nam cần làm chủ hạ tầng số, bởi hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm: hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Vietnam”.
Thứ hai, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Các nền tảng “Make in Vietnam” sẽ gánh vác trên vai sứ mệnh lớn lao, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) thực hiện chuyển đổi số. Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, ngành TT-TT đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cứ 1.000 người dân/doanh nghiệp công nghệ số.
Nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. Trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số (e-Identity - tập hợp các thông tin điện tử phục vụ việc xác định duy nhất một cá nhân), và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến, để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ. Phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp.

Thông qua số lượng T.Ư khóa XIII gồm 200 người

Trong ngày 28.1, ngày thứ 3 của chương trình chính thức Đại hội XIII, đại hội đã dành buổi sáng để tiếp tục thảo luận về các văn kiện trình Đại hội XIII. Đã có 13 ý kiến tham luận của các Đảng bộ được trình bày trong buổi sáng. Trong 2 ngày, đã có 36 bài tham luận góp ý cho các văn kiện được trình bày tại Đại hội XIII.
Chiều cùng ngày, đại hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Sau đó, các đại biểu làm việc tại đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Đại hội đã nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII và các tài liệu hồ sơ về nhân sự.
Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII là 200 người. Trong đó, 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Trong chiều 28.1, Đoàn Chủ tịch họp tiếp thu, giải trình các văn kiện trình đại hội. Theo dự kiến, hôm nay 29.1, đại hội tiếp tục thảo luận công tác nhân sự. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.