Reuters dẫn lời bà Thái Anh Văn ngày 4.12 nhấn mạnh việc Mỹ và Đài Loan đạt được thỏa thuận thương mại song phương sẽ củng cố sự ủng hộ của Washington với Đài Bắc khi đối mặt sự “đe dọa không ngừng” từ Bắc Kinh.
Sự ủng hộ của lưỡng đảng
Nội dung trên nằm trong bài phát biểu do nhà lãnh đạo Thái Anh Văn ghi lại để gửi tới Hội đồng trao đổi lập pháp Mỹ (ALEC) nhân dịp bà nhận giải thưởng Lãnh đạo quốc tế tiên phong do ALEC trao tặng.
Cuối tháng 11, tại Đối thoại đối tác kinh tế Mỹ - Đài Loan lần đầu tiên được tổ chức ở thủ đô Washington D.C, hai bên đã ký kết bản ghi nhớ nhằm thắt chặt hợp tác kinh tế toàn diện song phương. Đây là bước tiến quan trọng để hai bên ký kết thỏa thuận thương mại song phương.
|
Cũng trong bài phát biểu gửi đến ALEC, bà Thái cảm ơn sự ủng hộ của lưỡng đảng chính trị Mỹ dành cho Đài Loan. Bà cho biết: “Tôi mong muốn đạt được tiến bộ trong hiệp định thương mại song phương với Mỹ, đối tác lớn thứ hai về thương mại và là đồng minh quan trọng nhất của Đài Loan”.
Bà khẳng định: “Một thỏa thuận như thế sẽ tăng cường quan hệ hợp tác thương mại chặt chẽ, đồng thời củng cố sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan khi đối mặt với sự đe dọa không ngừng từ bên kia eo biển Đài Loan”. Bà Thái Anh Văn cũng tin rằng khi ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Bắc. Trong bài phát biểu, bà đã ám chỉ điều này về chính quyền mới của Mỹ: “Khi chúng ta tiến tới năm 2021, quan hệ Đài Loan - Mỹ có những cơ hội to lớn để phát triển”.
Không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự
Gần đây, Trung Quốc đại lục đã không ngừng tăng cường hoạt động quân sự nhằm vào phía Đài Loan. Bà Thái Anh Văn cho biết “sẽ không ngừng tìm kiếm mối quan hệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, nhưng cũng sẽ không thỏa hiệp khi đưa ra các quyết định để giữ cho Đài Loan được an toàn, trong đó có việc gia tăng ngân sách quân sự.
|
Năm qua, Mỹ liên tục thông qua nhiều đơn hàng cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Chỉ riêng trong tháng 10, Washington đã phê chuẩn 4 đơn hàng vũ khí, có tổng trị giá khoảng 4 tỉ USD, cho Đài Bắc. Trước đó, vào tháng 5 và tháng 7, Mỹ cũng đã thông qua 4 gói vũ khí cho Đài Loan.
Các đơn hàng vũ khí này có những “đồ chơi” nổi bật như bệ phóng pháo phản lực trên xe tải do nhà thầu Lockheed Martin sản xuất - hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), máy bay không người lái (UAV) MQ-9B, ngư lôi để trang bị cho tàu ngầm, phụ tùng nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không PAC-3, tên lửa hành trình tấn công mặt đất AGM-84H để lắp trên máy bay, tên lửa chống hạm Harpoon đặt trên bờ...
|
Trong đó, loại HIMARS mà Đài Bắc mua được cho là có tầm bắn khoảng 300 km và có tính cơ động cao khi được đặt trên các hệ thống xe tải. Tầm bắn 300 km đủ sức vượt eo biển Đài Loan - vốn rộng khoảng 180 km, nên có thể giúp Đài Bắc đáp trả các cơ sở quân sự nằm ở Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra, tại Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc còn được triển khai nhiều xe bọc thép đổ bộ tấn công Type-05. Để phòng ngừa nguy cơ đổ bộ tấn công, các hệ thống thủy lôi hiện đại của Đài Loan sẽ phát huy hiệu quả.
Đầu tháng 8 vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin Đài Loan đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 được trang bị tên lửa đối hạm Harpoon (AGM-84). Đây là loại tên lửa đối hạm khá nổi tiếng của Mỹ và được nhiều nước sử dụng, hiệu quả tác chiến cao.
|
Như thế, khi mua thêm tên lửa Harpoon phiên bản khai hỏa từ đất liền, Đài Bắc có thể tạo nên mạng lưới phòng thủ chống tàu chiến từ trên không lẫn từ đất liền. Còn tên lửa chống tăng thì đây là vũ khí vô cùng quan trọng để giúp Đài Loan có thể ngăn chặn các lực lượng đổ bộ tiến vào đất liền. Còn MQ-9B giúp Đài Bắc do thám thông tin để đưa ra các kế hoạch ứng phó khi cần thiết.
Bình luận (0)