Tại lễ khởi công đóng tàu ngầm nội địa mới ở thành phố cảng Cao Hùng, bà Thái gọi đây là "cột mốc lịch sử" trong việc phát triển năng lực phòng thủ của Đài Loan, theo Reuters.
Bà Thái nói rằng việc xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới thể hiện ý chí mạnh mẽ của Đài Loan với thế giới trong vấn đề bảo vệ vùng lãnh thổ. Sự kiện có sự tham dự của Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan William Brent Christensen.
"Tàu ngầm là vũ khí quan trọng để phát triển khả năng tác chiến phi đối xứng và ngăn chặn tàu địch bao vây Đài Loan", bà Thái nói thêm.
Tập đoàn đóng tàu Đài Loan CSBC đồng thời tuyên bố sẽ bàn giao chiếc đầu tiên trong tổng số 8 tàu ngầm vào năm 2025.
Hiện lực lượng phòng vệ Đài Loan sở hữu 4 tàu ngầm, trong đó có 2 chiếc do Mỹ đóng từ thập niên 1940, theo AFP.
Trước đây, bán tàu ngầm cho Đài Loan là vấn đề nhạy cảm đối với Mỹ. Thỏa thuận bán cho Đài Loan 8 tàu ngầm diesel-điện mặc dù được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush phê chuẩn nhưng đã bị trì hoãn kể từ năm 2001 vì Washington lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Đức và Tây Ban Nha, hai trong số ít những quốc gia xuất khẩu tàu ngầm trên thế giới, cũng đã từ chối bán tàu ngầm cho Đài Loan vì e ngại Trung Quốc.
|
Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loàn với tổng trị giá 18 tỉ USD, bao gồm chiến đấu cơ thế hệ mới.
Hồi năm 2018, chính phủ Tổng thống Trump đã bật đèn xanh cho các nhà sản xuất Mỹ tham gia vào chương trình phát triển tàu ngầm của Đài Loan. Động thái này được cho là nhằm đảm bảo Đài Loan có thể tiếp cận linh kiện để tự đóng tàu ngầm, nhưng vẫn chưa rõ công ty nào của Mỹ tham gia chương trình.
Mặt khác, lực lượng Đài Loan hầu hết sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, nhưng lãnh đạo Đài Loan vẫn ưu tiên đẩy mạnh phát triển một ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Vào tháng 6, bà Thái đã thị sát chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của một máy bay huấn luyện do Đài Loan tự thiết kế và chế tạo.
Bình luận (0)