Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 6.3 vừa qua, ông Nikomdej Blankura, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương bày tỏ quan điểm, đề xuất cách tính khung giá điện mặt trời, điện gió.
Theo văn bản này, các doanh nghiệp Thái Lan có 13 dự án đầu tư điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được phép vận hành thương mại. Lý do, dự án bị đình trệ bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19, kéo theo không đạt được vận hành thương mại theo dự kiến là ngày 31.10.2021.
Gần đây, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7.1 về khung giá phát điện và Thông tư 15/2022-TT-BCT ngày 3.10.2022 về phương pháp xây dựng khung giá phát điện điện mặt trời, điện gió.
Tuy nhiên, các quy định này đã dấy lên lo ngại và dè dặt của Nhóm công tác về điện (Phòng Thương mại và công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam), bởi các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo đó, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam đề nghị các cơ quan thẩm quyền của Bộ Công thương xem xét ý kiến đề xuất từ các doanh nghiệp Thái Lan.
Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công thương nên chỉ định một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để lựa chọn các thông số hợp lý được sử dụng để tính khung giá. Bởi hiện tại, mức giá trần đối với sản xuất điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được nêu trong Quyết định 21/QĐ-BCT thấp hơn 19 - 21% so với trước đây được cấp cho các nhà đầu tư. Nếu tính theo khung giá Thông tư 15/2022-TT-BCT, biểu giá điện gió trên bờ sẽ rơi vào khoảng 9,5 UScent/kWh và khoảng 11,54 UScent/kWh đối với dự án ngoài khơi.
Thứ hai, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giữ nguyên các điều kiện trong hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký trước đây về loại tiền được sử dụng (USD) và thời hạn 20 năm, vì những điều kiện này đã được bên cho vay đồng ý.
Bày tỏ quan điểm với Bộ trưởng Bộ Công thương, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam cho rằng, cần có một kết luận công bằng về cách tính khung giá cũng như thực hiện các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện. Điều này sẽ đảm bảo có thêm nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thay thế và bền vững, giúp Việt Nam thực hiện cam kết của quốc gia về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước đó, ngày 10.3, Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận và 36 nhà đầu tư đang có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ về bất cập trong các quy định, thông tư về cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do Bộ Công thương ban hành.
Cụ thể, các quy định của Bộ Công thương khiến nhà đầu tư lo lắng và quan ngại sâu sắc do có những điểm bất cập về pháp lý.
Theo các nhà dầu tư, nếu các chính sách mới được áp dụng, 34 dự án điện gió, điện mặt trời các doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng số vốn gần 85.000 tỉ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỉ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.
Bình luận (0)