Sáng 13.11, giải trình về vấn đề các đại biểu quan tâm trong dự án luật Phòng chống ma túy sửa đổi tại Quốc hội, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định cơ quan soạn thảo trân trọng lắng nghe, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật này trình ra Quốc hội.
Người nghiện là trí thức, cán bộ đều có
Về ý kiến đại biểu cho rằng, dù tên luật là "phòng, chống ma túy", nhưng nội dung phòng quá ít, ông Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khi xây dựng luật này quan điểm chung của ban soạn thảo là đưa nội dung về "phòng" rất lớn.
"Các điều khoản chi tiết đều bao quát việc đó. Ngay cả việc đấu tranh với tội phạm cũng tính đến phòng ngừa mới là chính. Không chỉ là bắt giữ tội phạm mà ngăn chặn, giảm nguồn cung", ông Tô Lâm nói.
Nội dung nhiều người quan tâm là người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, dự án luật đã đặt ra từng bước xử lý khác nhau.
"Người sử dụng trái phép chất ma túy chưa xử lý hành chính, chủ yếu là vận động, giáo dục, mức độ quản lý nhẹ nhất. Người nghiện ma túy thì bắt đầu có các biện pháp, chế tài xử lý hành chính. Còn tội phạm thì rõ ràng xử lý hình sự theo pháp luật", Bộ trưởng thông tin.
Ông Tô Lâm cho hay, hiện nay, thái độ với người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy trái phép cũng rất khác nhau vì đối tượng này rất đa dạng.
“Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có. Mình đối xử thế nào”, ông Lâm nêu và cho biết, nhiều người cho rằng đây là những người rất đáng thương, cần phải có các biện pháp xã hội, song cũng có ý kiến cho rằng, phần lớn đây là những người có nhân thân xấu, tiền án tiền sự, vi phạm pháp luật khác.
“Người ta gọi đây là con nghiện, con bệnh, tức là coi ở mức độ thấp hơn người khác. Thậm chí, trong gia đình và xã hội cũng xa lánh. Các đại biểu cũng nói là trong nhà mà có vài ba người nghiện thì rất gay go”, ông Tô Lâm nói và khẳng định, thái độ với đối tượng người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy phải rất rõ ràng trong luật này.
95% các vụ về ma túy do công an phát hiện, xử lý
Về vấn đề cơ quan chủ trì, chuyên trách đấu tranh phòng chống ma túy, ông Tô Lâm cho rằng, đây công việc phải huy động cả xã hội, hệ thống chính trị. Do đó, cơ quan chuyên trách không chỉ biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, ngành lao động - thương binh - xã hội, kể cả doanh nghiệp...
Bộ trưởng Tô Lâm hứa sẽ làm rạch ròi vấn đề này như mong muốn của đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, theo ông Tô Lâm, về cơ quan chủ trì công tác phòng chống ma túy thì lâu nay trong các quy định chung vẫn giao cho Bộ Công an.
Dẫn Hiến pháp 2013 và luật Công an nhân dân 2018, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo quy định, công an là lực lượng lượng vũ trang, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm bảo trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. “Tội phạm về ma túy ở đây là một loại tội phạm, là việc chính”, ông Tô Lâm khẳng định.
Cũng theo ông Tô Lâm, Chỉ thị 36 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng xác định rõ lực lượng công an nhân dân là nòng cốt và chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, các lực lượng khác cùng tham gia, phối hợp.
Ông Tô Lâm cho rằng, theo bộ luật Tố tụng hình sự, luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân được điều tra tất cả các tội phạm về ma túy. Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển cũng được tiến hành điều tra ban đầu một số tội phạm về ma túy, không phải toàn diện trên tất cả các khâu đó.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng dẫn số liệu kết quả đấu tranh phòng chống ma túy từ năm 2017 - 2019 cho thấy, cơ quan công an phát hiện, điều tra, xử lý trên 95 số vụ về ma túy, trong khi đó các cơ quan khác tham gia tỷ lệ rất nhỏ.
Nêu lại ý kiến đại biểu nêu vấn đề giao Bộ Công an quản lý luôn cơ sở cai nghiện, ông Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an không ngại vấn đề này. “Nếu luật cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng làm việc này. Đây là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm. Nếu thấy hiệu quả, Bộ Công an không ngại quản lý vấn đề này”, ông Lâm khẳng định.
Bình luận (0)