Bảo vệ từng tấc đất biên cương
Báo cáo trước Quốc hội (QH) ngày 24.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của mọi người dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự toàn vẹn mỗi “tấc đất” biên cương, mỗi “dặm biển” khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo các lực lượng vũ trang trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”.
Thủ tướng nhắc đến mối quan hệ ổn định hài hòa với các nước láng giềng, thiết lập các mối quan hệ đối tác, đối tác chiến lược với 30 nước trên thế giới. “Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã ký 5 hiệp định thương mại tự do quy mô lớn, tiêu chuẩn cao, với gần 50 quốc gia, nền kinh tế lớn trên toàn cầu, mở ra các thị trường rộng lớn, đa dạng cho phát triển nhanh và vượt lên trong khu vực”, ông nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, truyền thông nhằm kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế,
Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982; đã ký hoàn thành phân giới cắm mốc 84% biên giới với Campuchia...
Thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ thêm thành quả, hạn chế, các vấn đề cần được hợp tác xử lý trong các hoạt động đối ngoại song phương, đặc biệt là với chính phủ các nước láng giềng; lợi ích, thách thức và biện pháp trong hợp tác với các nước lớn và khu vực; kết quả và phương hướng phối hợp trong công tác đối ngoại giữa Chính phủ với cơ quan Đảng, QH và ngoại giao nhân dân; bổ sung, đánh giá thêm về công tác bảo hộ công dân tại các nước.
Có những sự cố ở Biển Đông phải xử lý hết sức tế nhị
Khi báo cáo trước QH về công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh tới vấn đề chủ quyền biển đảo, cũng như việc xử lý mối quan hệ với các nước láng giềng.
Chủ tịch nước cho hay trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng liên quan tới lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, dù không công bố, nhưng trong vài ba năm vừa qua, chúng ta đã xây dựng một loạt chiến lược quốc phòng, an ninh bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến quốc gia, cực kỳ quan trọng, không thể để bất ngờ, bị động. Trong bất cứ tình hình nào, chúng ta không được để bất ngờ về quốc phòng an ninh ở tất cả các hướng, cả phía đông, phía tây nam, phía bắc; với các nước ở xa, ở gần, nước lớn, nước nhỏ”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói thêm.
Chống tham nhũng, tiêu cực tạo sức răn đe, cảnh tỉnh lớnDành riêng một phần trong báo cáo nhiệm kỳ Chủ tịch nước về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế”, ông nói.
Liên quan tới công tác tư pháp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết việc xét đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước được thực hiện hết sức thận trọng, chặt chẽ, vì đây là vấn đề liên quan tới sinh mệnh con người. Đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định.
|
Đánh giá về nhiệm kỳ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết mặc dù có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn.
Trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
“Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo, nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói, và nhấn mạnh việc cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, hoạt động nhịp nhàng, phối hợp ăn khớp, trên dưới đồng lòng là “điều rất đáng mừng trong nhiệm kỳ vừa qua”.
Bình luận (0)