Đậm đà tép bạc kho dừa

04/09/2018 20:33 GMT+7

Tép sông rất ngọt, giòn, lại được nước dừa thấm quyện nên cực kỳ đậm đà. Cơm dừa dẻo, béo, nhai sựt sựt rất đã răng.

Mùa mưa về, trên những con sông nhỏ, kênh rạch quê tôi xuất hiện rất nhiều tép bạc đất. Đây là thời cơ kiếm tiền của những người cất vó, đi mò, xúc, cũng như đặt đáy. Nguồn cung nhiều thì dĩ nhiên giá thành của một ký tép bạc đất sẽ rẻ hơn so với mùa nắng khan hiếm. Vì vậy những ai mê ăn tép sẽ thỏa thích mua về chế biến các món ăn ngon miệng trong bữa cơm gia đình.
Tép bạc đất là một loại tép sông, sống trong môi trường tự nhiên, mạnh mẽ vượt qua những dòng nước xiết nên thịt rất ngọt, chắc, chế biến món ăn nào cũng ngon. Có thể nấu canh chua, nướng thô, kho, làm mắm... Nhưng trên hết, dân quê tôi vẫn thích món tép bạc kho dừa, bởi nơi tôi sinh ra bạt ngàn cây dừa (Bến Tre), người nội trợ luôn nghĩ đến dừa.

Hầu như trong một tháng, mẹ tôi đều chế biến một món ăn liên quan đến dừa. Lúc là thịt kho nước dừa, thịt xào củ hũ dừa, khi thì ếch xào nước cốt dừa. Tất nhiên mẹ sẽ không quên món tép bạc kho dừa, món dân dã mà người dân Bến Tre đều mê mẩn. Do nhà tôi đổ đáy quanh năm nên không mất tiền cho việc mua tép. Bữa nào ba thăm khoang đáy “vô mánh” tép bạc đất là các thành viên trong gia đình đề nghị mẹ làm món tép kho dừa. Mà cũng chẳng cần đợi cả nhà lên tiếng, mẹ đã vội lên kế hoạch làm ngay.
Ba đi ra sau vườn dùng cây hái dừa (làm bằng thanh tre có gắn lưỡi hái trên đầu). Dừa dùng để kho với tép phải là dừa cứng cạy, có cơm không quá khô cũng không quá mềm (loại dừa dùng làm mứt). Với tuổi đời hơn 60, lại nhiều năm đi buôn dừa, chỉ cần nhìn là ba biết trái nào vừa ý. Vì vậy ba không cần hái nhiều mà chỉ cần một trái dừa cứng cạy lấy cơm và một trái dừa khô lấy nước.
Chắc có lẽ bạn thắc mắc tại sao không dùng một quả cho tiết kiệm. À, sở dĩ phải làm thế là bởi dừa cứng cạy có nước không đủ ngọt, nếu đem kho với tép sẽ có vị chua. Trong khi nước dừa khô ngọt đậm, có tác dụng làm món ăn mau chín, mềm dẻo.
Hái xong, ba bổ dừa ra rồi dùng chiếc đũa bếp xới cơm len vào gáo dừa để tách lấy cơm dừa. Sau đó ba dùng sao cắt thành từng miếng hình tam giác cho dễ ăn cũng như tạo tính thẩm mỹ. Trong khi đó, mẹ lo làm tép, cắt đuôi và râu ria cho gọn. Vỏ tép bạc mềm nên không cần phải lột mà để nguyên mới cảm nhận hết vị ngon của nó. Ba mang số cơm dừa vừa cắt để vào nồi cùng tép để mẹ ướp gia vị: muối, đường, nước mắm... (không cần ớt hay tiêu).
Để món kho có màu đẹp, mẹ dùng nước màu dừa ướp (nước dừa được thắng đến khi kẹo quánh). Độ 30 phút, nước màu thấm đều, mẹ mang lên bếp kho, để chế độ lửa lớn. Khi tép và cơm dừa săn lại, mẹ cho một chén nước dừa khô vào rồi chỉnh lửa liu riu. Áng chừng 15 phút, món kho kẹo quánh lại, mùi hương dậy lên thì có thể tắt bếp. Tép rất mau chín nên không cần phải kho lâu.
Mẹ nhẹ nhàng múc món ăn ra đĩa, mang lên bàn, nơi các thành viên đang ngồi chờ với cái bụng đánh trống liên hồi. Món tép kho dừa có thể dùng với bún hoặc cơm, nhưng với cơm nguội là ngon nhất. Nếu có thêm rau sống hoặc canh rau tập tàng thì khỏi chê. Tép sông rất ngọt, giòn, lại được nước dừa thấm quyện nên cực kỳ đậm đà. Cơm dừa dẻo, béo, nhai sựt sựt rất đã răng. Món kho dù không có dầu mỡ nhưng tinh dầu từ dừa tươm ra làm cho tép bóng loáng, ngậy ngậy.
Trong lúc ăn, ba luôn kể về thời gian khó, lúc không có tép để ăn nên món kho chỉ có cơm dừa. Dù vậy, nồi cơm lúc nào cạn đáy không còn một hạt. Người nhà quê tôi vẫn hài hước gọi món đó là “thịt heo leo cây”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.