Dân Anh không được xem Ronaldo ra mắt tại M.U!

08/09/2021 14:04 GMT+7

Trên thế giới, chỉ có 5 nước không được xem truyền hình trực tiếp trận M.U - Newcastle (mà Cristiano Ronaldo có thể xuất hiện trong màu áo M.U) vào cuối tuần này. Đó là CHDCND Triều Tiên, Cuba, Afghanistan, Turkmenistan và… Vương quốc Anh. Dân Anh mà không được xem truyền hình trận đấu vô cùng đặc biệt của Premier League thì, như thế mới… Anh!

Một lần nữa, quy định “Saturday black-out” cổ lỗ sĩ trong làng bóng Anh lại làm ngán ngẩm giới hâm mộ MU, và cả những người hâm mộ bóng đá trung lập ở Anh nữa. Họ sẽ không được xem truyền hình trực tiếp trận M.U - Newcastle vào ngày 11.9. Đấy có thể là trận đấu ra mắt của Cristiano Ronaldo, trong lần trở lại M.U đình đám này.
Chỉ vì khía cạnh… tò mò thôi, thì trận đấu ra mắt của Ronaldo đã đáng chờ xem lắm rồi. Nhưng, từ thập niên 1960, đã có quy định cấm phát sóng trên truyền hình mọi trận bóng đá trong khoảng thời gian từ 14 giờ 45 đến 17 giờ 15, trong lãnh thổ Vương quốc Anh. Quy định này xuất phát từ ý tưởng của chủ tịch CLB Burnley thời ấy, rằng số lượng khán giả đến sân - nhất là khán giả của các đội bóng nhỏ - có thể giảm đi nếu người ta chọn ở nhà xem bóng đá quá truyền hình.
Phàm chuyện gì người ta không cấm thì được phép làm. Còn chuyện gì người ta phải có luật “cho phép làm” thì đủ hiểu đấy là trường hợp hy hữu cỡ nào. Phải có luật cho phép làm bởi nếu không thì ai cũng phải hiểu đấy là chuyện mặc nhiên bị cấm. Cái quy định “Saturday black-out” ở Anh đặc biệt đến nỗi: quả có luật cho phép giới bóng đá Anh… ra luật như thế. Đấy là khoản 2 điều 48 trong bộ luật UEFA: “cho phép các nước thuộc UEFA cấm truyền hình trực tiếp bóng đá trong khoảng thời gian 2 tiếng rưỡi vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật”. Anh là nước duy nhất làm cái điều mà UEFA cho phép này!

CĐV M.U đang nóng lòng chờ trận ra mắt của siêu sao Cristiano Ronaldo

Reuters

Chỉ có cơn đại dịch lịch sử mới làm cho cái quy định “Saturday black-out” ở Anh phải lung lay đôi chút. Đấy là giai đoạn mà người ta phải chơi bóng trong sân không có khán giả, và hệ quả là dân Anh được xem truyền hình bóng đá mỗi chiều thứ bảy. Nhưng đến mùa này thì mọi chuyện trở lại như cũ.
Người Anh nổi tiếng về đặc điểm bảo thủ. Quy định “Saturday black-out” kia đứng vững gần 60 năm một phần vì người ta thà… lách luật, chứ không ai muốn bỏ đi cái điều luật độc đáo và rất riêng của quê hương bóng đá. Vòng đấu cuối cùng của Premier League hàng năm luôn diễn ra trong ngày chủ nhật là vì vậy. Để giới hâm mộ được xem truyền hình cho đã con mắt. Cũng vì phải né khoảng thời gian cấm truyền hình trong ngày thứ bảy mà các trận hay nhất của mỗi vòng đấu ở Premier League dồn cả sang chủ nhật, từ đó nảy sinh khái niệm “Super Sunday”.
Dân Anh thậm chí còn phải cầu mong cho các trận đấu hấp dẫn bên ngoài Premier League (trận El Clasico ở Tây Ban Nha chẳng hạn) diễn ra vào ngày chủ nhật, hoặc ít ra cũng đừng lọt vào khoảng 14 giờ 45 đến 17 giờ 15 của ngày thứ bảy. Từng có lúc, dân Anh chỉ được xem… 15 phút của trận đấu này, trên truyền hình.
Do Ronaldo gia nhập M.U quá muộn (thủ tục chỉ chính thức hoàn thành trong ngày chuyển nhượng cuối cùng), ngày giờ cụ thể của trận M.U - Newcastle ở Premier League đã được khóa. Bằng không, người ta đã chuyển trận này sang khung giờ sớm hơn, muộn hơn, hoặc sang ngày chủ nhật. Còn chuyện vì sao ban tổ chức Premier League và giới truyền hình không hợp tác với nhau để thay đổi lịch vào giờ chót, thì… chịu. Nếu chuyển giờ, tức trận M.U - Newcastle có thể được truyền hình trực tiếp, thì giới truyền hình và khán giả có lợi trong khi ban tổ chức cũng đâu có thiệt thòi gì!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.